Người mắc bệnh gout nên kiêng gì để giảm các cơn đau dữ dội?

04:12, 20/12/2021
.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tuân thủ chế độ ăn kiêng phù hợp có thể giúp người mắc bệnh gout (gút) cải thiện tần suất tái phát các cơn gout và giảm mức độ nghiêm trọng các triệu chứng của bệnh.
 
Mối liên quan giữa chế độ ăn uống và bệnh gout
 
Bệnh gout là một loại viêm khớp liên quan đến cơn đau đột ngột, sưng và viêm các khớp. Gần một nửa số trường hợp bệnh gout ảnh hưởng đến ngón chân cái, trong khi các trường hợp khác ảnh hưởng đến ngón tay, cổ tay, đầu gối và gót chân.
 
Các triệu chứng của bệnh gout xảy ra khi có quá nhiều axit uric trong máu. Khi nồng độ axit uric cao, các tinh thể của nó có thể tích tụ trong các khớp. Quá trình này gây ra sưng, viêm và đau dữ dội.
 
Hầu hết những người mắc bệnh gout đều gặp phải những triệu chứng này vì cơ thể họ không thể loại bỏ axit uric dư thừa một cách hiệu quả. Điều này cho phép axit uric tích tụ, kết tinh và lắng đọng trong các khớp.
 
Trong bệnh gout, các tinh thể axit uric tích tụ trong các khớp gây ra sưng, viêm và đau dữ dội.
Trong bệnh gout, các tinh thể axit uric tích tụ trong các khớp gây ra sưng, viêm và đau dữ dội.
Khi bị bệnh gout, có một số loại thực phẩm nhất định có thể làm tăng nồng độ axit uric gây tái phát cơn đau và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh. Thực phẩm gây kích thích thường chứa nhiều purin, một chất được tìm thấy tự nhiên trong thực phẩm. Khi bạn tiêu hóa purin, cơ thể sẽ tạo ra axit uric như một chất thải.
 
Nghiên cứu cho thấy, ở người bệnh có chế độ ăn uống nhiều purin tăng nguy cơ cơn gout tái phát gấp năm lần, trong khi tránh hoặc giảm thực phẩm giàu purin (đặc biệt là thực phẩm có nguồn gốc động vật) giúp giảm nguy cơ tái phát bệnh.
 
Bên cạnh đó, chế độ ăn ít purin hơn cũng có thể giúp một số người đạt được và duy trì cân nặng hợp lý. Điều này rất quan trọng với bệnh gout vì nó không chỉ làm giảm nguy cơ phát triển bệnh mà còn có thể giảm áp lực lên các khớp, giúp giảm đau, cải thiện chức năng và làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp.
 
Các loại thực phẩm có hàm lượng purin cao người bệnh gout nên tránh
 
1. Thịt đỏ, nội tạng
 
Các loại thịt, nội tạng động vật có hàm lượng purin cao như: thịt đỏ, gan, tim, thận, óc… là những thực phẩm gây ảnh hưởng xấu đối với những người bị bệnh gout.
 
Một số thực phẩm có hàm lượng purin cao như: Thịt xông khói, thịt bê, thịt nai, gà tây. Thực phẩm hàm lượng purin trung bình như: Thịt bò, gà, vịt, giăm bông, thịt lợn…
 
2. Hải sản
 
Mặc dù hải sản, bao gồm nhiều loại cá có giá trị quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh nhưng những người bị bệnh gout cần lưu ý rằng một số loại hải sản có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu và làm cho bệnh gout nặng hơn.
 
Người bệnh gout nên tránh ăn các loại cá có hàm lượng purin cao như: cá cơm, cá tuyết, cá tuyết chấm đen, cá trích, cá thu, trai, cá mòi, cá hồi…
 
Một số loại hải sản có hàm lượng purin trung bình người bệnh nên ăn lượng nhỏ vừa phải như: Cua, tôm hùm, sò, tôm.
 
Một số loại hải sản có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu.
Một số loại hải sản có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu.
3. Rượu bia
 
Rượu bia là nguyên nhân phổ biến gây ra các cơn gout. Vì chúng làm giảm khả năng đào thải a xít uric qua nước tiểu. Rượu bia còn làm tăng phản ứng viêm ở người đang bị sưng khớp do cơn gút cấp khiến cho bệnh nhân càng bị đau đớn hơn và làm giảm tác dụng của các loại thuốc điều trị gout.
 
Các loại rượu khác nhau có hàm lượng purin khác nhau. Bia đặc biệt có hàm lượng purin cao và được phát hiện là có thể làm tăng nồng độ axit uric khi uống thường xuyên.
 
4. Đồ uống có đường
 
Đồ uống có đường không tốt cho người bệnh gout.
Đồ uống có đường không tốt cho người bệnh gout.
Nhiều nghiên cứu đã xác định mối liên hệ giữa tăng axit uric máu với việc tiêu thụ quá nhiều đường. Đặc biệt là nước hoa quả và nước ngọt có đường và đường bổ sung như: mật ong, xi-rô, soda, nước tăng lực… 
 
Đặc biệt, purin được tìm thấy trong xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao có liên quan đến việc gia tăng lắng đọng tinh thể và các triệu chứng liên quan.
 
Theo Việt An/SKĐS
 

.