Tiền mất tật mang khi chữa bệnh bằng cúng bái

05:04, 08/04/2021
.

(Baoquangngai.vn)- Thay vì tìm đến bệnh viện khi ốm đau, nhiều người dân tại xã Sơn Dung, huyện vùng cao Sơn Tây lại chọn cách sắm lễ vật làm phép để chữa bệnh. Thực tế cho thấy, cách làm này không những khiến bệnh càng thêm nặng mà nhiều gia đình đã lâm vào cảnh kiệt quệ, nợ nần. 

[links()]

Mới đây, chúng tôi có gặp trường hợp của chị Đinh Thị Thạch (37 tuổi), thôn Huy Măng, xã Sơn Dung khi đang được nằm điều trị tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viên Đa Khoa tỉnh Quảng Ngãi do suy thận giai đoạn cuối. Điều đáng nói là nếu được chữa trị ngay khi dấu hiệu bệnh khởi phát thay vì tin vào “cúng ma” thì tình trạng bệnh của chị Thạch đã không diễn biến nặng. 

Chị Thạch được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng người mệt mỏi, mất sức, da khô, ngứa ngáy, nôn nhiều không ăn uống được, hai chân bị sưng phù và không thể tự đi lại. Theo thông tin từ gia đình, tình trạng này đã diễn ra khoảng 2 tháng trước khi đưa chị Thạch nhập viện cấp cứu.
 
“Khi ở nhà, vợ tôi mệt mỏi, cứ ăn vào lại nôn, thường xuyên chảy máu cam, các khớp xương đau nhức không đi lại được. Theo tập tục, nếu trong gia đình có người đau ốm, phải làm lễ cúng bái đầu tiên để xua đuổi “ma bệnh”. Họ cho rằng vợ tôi bị bệnh là do ma quỷ quấy rối hoặc tổ tiên quở trách nên buột phải cúng đuổi hết ma tà. Tưởng rằng vợ tôi khỏi bệnh nhưng sau rất nhiều lần cúng vợ tôi vẫn bị đau đầu, nôn nhiều, ăn không được. Cũng vì vậy mà suốt thời gian dài tôi không đưa vợ đến viện để điều trị kịp thời”, anh Đinh Văn Từ (38 tuổi), chồng chị Thạch buồn bã nói. 
 
Hơn 2 tháng ròng rã, trước lúc đưa chị Thạch xuống viện, anh Từ đi làm thuê, chui nhủi chặt củi bán kiếm tiền mua gà, heo để cúng dâng lên Giàng (trời), xin cho vợ mau hết bệnh. Thế nhưng, đã 11 lần anh mời già làng và sắm lễ vật cúng bái nhưng bệnh tình của vợ vẫn không thuyên giảm. Anh Từ cho biết, trong lần cúng thứ 12, cách đây gần 2 tuần, ngoài việc chuẩn bị 1 con gà, 1 con heo để làm vật tế cúng thì anh đã tháo dở căn nhà sàn của gia đình để làm phép xua đuổi "ma bệnh" cho vợ.
 
Điều đáng buốn nhất là dù anh Từ đã cũng bái nhiều lần, vật tế chu đáo như vậy, nhưng cuối cùng, bệnh tình của chị Thạch cũng không thuyên giảm mà càng thêm nặng và khoản nợ hơn 10 triệu đồng mua sắm vật lễ cúng bái vẫn còn đó. Bây giờ, đến nơi ở cũng không còn, vợ chồng anh Từ vẫn chưa biết làm gì để kiếm ra tiền trả nợ. "Biết làm sao được nữa, vợ bị bệnh nặng nên tôi phải cúng nhiều lần thôi. Số tiền đi làm thuê, chặt củi không đủ nên tôi phải đi vay mượn thêm”, anh Từ kể và cho biết đây là phong tục đời trước để lại nên gia đình anh không thể không làm theo. 
 
Sức khỏe của chị Đinh Thị T hiện đã qua cơn nguy kịch
Chị Đinh Thị Thạch hiện đã qua cơn nguy kịch và sức khỏe đang dần hồi phục.
 
Nhận định về trường hợp chị Đinh Thị Thạch, bác sỹ Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cho hay: "Việc trì hoãn đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị bệnh do tin vào tập tục cúng bái ngay khi có dấu hiệu khởi phát của bệnh suy thận như mệt mỏi, chán ăn, phù nề tay chân đã vô tình khiến tình trạng bệnh diễn biến nặng đến mức suy thận giai đoạn cuối, đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo ngay khi có dấu hiệu bệnh, gia đình cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được thăm khám bởi bác sỹ chuyên khoa. Việc tin vào những điều mê tín dị đoan, không xác thực về mặt khoa học tự ý chữa bệnh tại nhà sẽ để lỡ cơ hội điều trị, làm cho bệnh tình tiến triển nặng".
 
Chủ tịch UBND xã Sơn Dung Nguyễn Văn Trí xác nhận:" Tình trạng cúng bái khi đau ốm vẫn còn diễn ra trên địa bàn. Theo quan niệm của đồng bào Ca Dong, nếu trong gia đình có người đau ốm, người nhà sẽ làm lễ cúng trước tiên. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của người bệnh mà lễ vật cúng sẽ tương xứng. Thông thường, đối với những căn bệnh nhẹ, người nhà chỉ cần cúng rượu, gà, nếu nặng hơn chút nữa sẽ phải cúng heo. Trong trường hợp bệnh quá nặng, người nhà buột phải tháo dỡ nhà ở và mua trâu về làm lễ cúng. Đây là quan niệm từ lâu đời nên không thể xóa bỏ trong ngày một ngày hai. Thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân hạn chế tục lệ này".
Bài, ảnh: Thủy Tiên
 

.