Thuốc nam chữa đau dây thần kinh hông

05:02, 12/02/2020
.
Đau dây thần kinh hông (thần kinh tọa) biểu hiện bởi các cơn đau dọc theo đường đi của dây thần kinh hông.
 
Đây là chứng bệnh thường gặp, do nhiều nguyên nhân khác nhau như thoát vị đĩa đệm, sang chấn cân, cơ, lao cột sống, viêm nhiễm, chèn ép, một số bệnh nghề nghiệp phải thao tác nhiều ở vùng thắt lưng... Theo y học cổ truyền, đau dây thần kinh hông thường do lạnh (trúng phong kinh lạc) hoặc do thoái hóa cột sống gây chèn ép (phong hàn thấp tý). Sau đây là một số bài thuốc trị theo từng thể.
Đau dây thần kinh hông do lạnh
 
Người bệnh đau vùng thắt lưng, đau lan xuống mông, mặt sau đùi, cẳng chân, đi lại và ngồi khó khăn (chưa teo cơ), toàn thân sợ lạnh, rêu lưỡi trắng... Phép chữa là khu phong, hành khí, hoạt huyết. Dùng bài thuốc:
 
Bài 1: cúc tần 12g, kinh giới 12g, rễ si (tẩm sao) 20g, dây đau xương (sao vàng) 20g, lá lốt 10g, thủy xương bồ 8g, ngải cứu 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần, uống sau bữa ăn 1 - 2 giờ. Gia giảm: nếu huyết áp tăng, bỏ lá lốt, ngải cứu; gia trinh nữ 16g, cỏ xước 12g. 
Dây đau xương là vị thuốc hay trị đau dây thần kinh hông do lạnh và do thoái hóa cột sống.
Dây đau xương là vị thuốc hay trị đau dây thần kinh hông do lạnh và do thoái hóa cột sống.
Bài 2: cành tía tô 12g, sài hồ biển (hoặc cúc tần) 12g, kinh giới 10g, vỏ cây gạo 12g, cỏ thơm (cây cứt lợn tía) 20g, thủy xương bồ 6g, hoắc hương 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần, uống sau bữa ăn 1 - 2 giờ.
 
Kết hợp day ấn các huyệt: đại trường du, hoàn khiêu, trật biên, thừa phù, ấn môn, ủy trung, thừa sơn, dương lăng tuyền, giải khê, côn lôn. Có thể cứu thêm các huyệt trên.
 
Đau dây thần kinh hông do thoái hóa cột sống gây chèn ép (phong hàn thấp tý)
 
Người bệnh đau vùng thắt lưng cùng, đau lan xuống chân dọc theo đường đi của dây thần kinh hông, có teo cơ, bệnh kéo dài, dễ tái phát; kèm theo toàn thân mệt mỏi, ăn kém ít ngủ. Phép chữa là khu phong tán hàn, trừ thấp hoạt huyết, bổ can thận khí huyết. Dùng bài thuốc:
 
Bài 1: xích đồng nam 20g, cà gai leo 20g, củ kim cang 12g, kinh giới 10g, cây cúc áo 16g, cúc tần 10g, thủy xương bồ 6g, rễ si (tẩm sao), dây đau xương (sao vàng) 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần, uống sau bữa ăn 1 - 2 giờ. 
Đau dây thần kinh hông (thần kinh tọa) theo Đông y thường do lạnh (trúng phong kinh lạc) hoặc do thoái hóa cột sống gây chèn ép.
Đau dây thần kinh hông (thần kinh tọa) theo Đông y thường do lạnh (trúng phong kinh lạc) hoặc do thoái hóa cột sống gây chèn ép.
 
Bài 2: hà thủ ô chế 12g, kê huyết đằng 12g, xích đồng nam 16g, cà gai leo 16g, sài hồ biển 12g, ngải cứu 6g, dây gắm 12g, vỏ cây gạo 12g, thủy xương bồ 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần, uống sau bữa ăn 1 - 2 giờ.
 
Kết hợp ấn day và cứu các huyệt như phần đau dây thần kinh hông do lạnh. Dùng dầu gió day ấn, cạo khu vực thận du, bát liêu, hoàn khiêu, kéo dọc dây thần kinh hông xuống tới bụng chân, gót chân.
 
Lưu ý: trong thời gian uống thuốc, kiêng ăn măng, tôm cua ốc hến, rau cải, củ cải; không uống nước cam, nước dừa, nước đá lạnh.
Vị trí huyệt:
 
- Đại trường du: dưới gai sống thắt lưng 4 đo ngang ra 1,5 tấc, ngang huyệt yêu dương quan (Đc.3).
 
- Bát liêu: có 8 (bát) huyệt ở gần (liêu) bên cạnh xương cùng: thượng liêu (Bq 31), thứ liêu (Bq 32), trung liêu (Bq 33), hạ liêu (Bq 34).
 
- Trật biên: ngang lỗ xương cùng thứ 4, cách đốc mạch 3 tấc, cách trung lữ du 1,5 tấc.
 
- Hoàn khiêu: nằm nghiêng co chân đau ở trên, chân dưới duỗi thẳng, huyệt ở vị trí 1/3 ngoài và 2/3 trong của đoạn nối điểm cao nhất của mấu chuyển lớn xương đùi và khe xương cùng. Hoặc nằm sấp, gấp chân vào mông, gót chân chạm mông ở đâu, đó là huyệt.
 
- Ấn môn: dưới nếp mông 6 tấc, mặt sau xương đùi, điểm giữa khe của cơ bám gân và cơ nhị đầu đùi.
 
- Ủy trung: ngay giữa lằn chỉ ngang nếp nhượng chân.
 
- Thừa sơn: ở giữa đường nối huyệt uỷ trung và gót chân, dưới uỷ trung 8 tấc, ngay chỗ lõm giữa 2 khe cơ sinh đôi.
 
- Dương lăng tuyền: chỗ lõm phía trước và dưới đầu nhỏ của xương mác, nơi thân nối với đầu trên xương mác, khe giữa cơ mác bên dài và cơ duỗi chung các ngón chân.
 
- Giải khê: ở chỗ lõm trên nếp gấp trước khớp cổ chân, giữa 2 gân cơ cẳng chân trước và gân cơ duỗi dài ngón chân cái.
 
- Côn lôn: giao điểm của bờ ngoài gót chân và đường kéo từ nơi cao nhất của mắt cá chân, chỗ lõm giữa khe gân cơ mác bên ngắn và gân cơ mác bên dài, trước gân gót chân, ở sau đầu dưới xương chày.

Theo BS. Thanh Ngọc/SKĐS

 

.