Nhân ngày Thế giới không thuốc lá 31.5:
Thuốc lá: Tác nhân chính gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

10:05, 31/05/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được ví là “sát thủ vô hình” vì chưa có thuốc đặc trị, bệnh liên tục tiến triển nặng dần theo thời gian. Trong khi đó, các nghiên cứu khoa học cho thấy, khói thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây mắc bệnh này lớn nhất.
Ông Nguyễn Thành Năng ngụ ở huyện Mộ Đức vừa nhập viện điều trị vì mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (hay còn gọi COPD). Ông Thành không nhớ mình đã nhập viện bao nhiêu lần trong suốt 7 năm qua kể từ ngày mắc bệnh này.
 
Ông Thành chia sẻ, ông hút thuốc từ năm 15 tuổi. Đến khi mắc bệnh COPD thì cuộc đời ông đã gắn liền với khói thuốc trong hơn 30 năm. Bởi vậy cho nên, khi bác sĩ thông báo ông phải sống chung với căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trong suốt quãng đời còn lại, ông Thành đã biết nguyên nhân chính là do thuốc lá.
 
Mỗi năm có hơn 200 ca mắc bệnh phỗi tắc nghẽn mãn tính phải nhập viện điều trị nội trú tại Quảng Ngãi
Mỗi năm có hơn 200 ca mắc bệnh phỗi tắc nghẽn mãn tính phải nhập viện điều trị nội trú tại Quảng Ngãi
“Lúc đầu tôi hay bị ho, khạc đờm dai dẳng không bớt. Đi khám thì mới biết. Bác sĩ khuyên tôi bỏ thuốc và tuân thủ điều trị nếu không muốn bệnh nặng hơn. Giờ không hút thuốc nữa nhưng vài tháng lại phải nhập viện một lần. Mỗi lần điều trị chừng 10 ngày, nửa tháng. Rất là mệt mỏi!”- ông Thành bày tỏ.
 
Ngày càng có nhiều người mắc COPD như ông Thành phải nhập viện điều trị. Triệu chứng ban đầu chỉ là ho kéo dài. Nhưng khi nặng hơn thì đợt ho có thể kéo dài tận 2-3 tháng. Mỗi năm xuất hiện 1-2 đợt ho. Các bệnh nhân mắc COPD thường đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh trong giai đoạn muộn, khi tình trạng tắc nghẽn đã nặng.
 
Tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Quảng Ngãi, trung bình mỗi năm có hơn 200 ca mắc COPD phải điều trị nội trú. Riêng 5 tháng đầu năm 2018, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 100 ca. Đây chỉ là con số bề nổi, bởi theo thống kê tại Việt Nam, số người mắc COPD chiếm đến 4% dân số. Điều này có nghĩa là, tại Quảng Ngãi, có khoảng 5 nghìn người đang phải sống chung với bệnh này nhưng chưa được phát hiện hoặc không tiếp nhận điều trị.
 
Thuốc lá là tác nhân chính gây ra hàng chục bệnh tại phổi và ngoài phổi trong cơ thể người
Thuốc lá là tác nhân chính gây ra hàng chục bệnh tại phổi và ngoài phổi trong cơ thể người
 
Bác sĩ Lê Quang Trung- Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Quảng Ngãi cho biết: Hơn 90% người bệnh COPD có hút thuốc. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc trị nên chỉ có thể điều trị dự phòng. Đó là tuyên truyền cho bệnh nhân bỏ hút thuốc hoàn toàn và không tiếp xúc với khói thuốc lá. Nếu không điều trị kịp thời để kiểm soát tình trạng bệnh, thì người bệnh sẽ bị tắc nghẽn lưu thông khí, gia tăng lượng khí cặn trong phổi, làm bệnh nhân khó thở và dẫn đến tử vong.
 
Nguy cơ mắc bệnh COPD đặc biệt cao ở những người hút thuốc từ khi còn trẻ, vì các chất độc trong khói thuốc lá làm suy giảm sự phát triển của phổi. Khói thuốc lá cũng là nguyên nhân làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, góp phần gây tàn phế và tử vong cho cả người hút thuốc lá và người hút thuốc lá thụ động. Bỏ thuốc lá là phương pháp hiệu quả nhất để làm chậm tiến triển của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và cải thiện các triệu chứng hen suyễn.
 
Các triệu chứng của COPD thường xuất hiện khoảng 10 năm sau khi bắt đầu hút thuốc. Mức độ nguy cơ mắc COPD sẽ tăng lên cùng với số năm hút thuốc lá. Thời gian hút càng dài thì tác hại càng lớn.
 
Bác sĩ Nguyễn Bé- Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Quảng Ngãi cho hay: Thuốc lá là nguyên nhân gây hàng chục bệnh tại phổi và ngoài phổi. Trong đó, nguy hiểm nhất là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Mắc COPD đồng nghĩa với việc phải sống chung với bệnh suốt đời. Thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 22 lần so với bình thường.
 
Đồng thời, những người hút thuốc và thường xuyên ngửi phải khói thuốc cũng bị bệnh trầm trọng hơn bình thường khi mắc phải các bệnh liên quan đến phổi như hen phế quản.

 

 
Hiện nguồn kinh phí để thực hiện khảo sát, phát hiện người mắc COPD trong cộng đồng còn hạn hẹp. Mỗi năm bệnh viện chỉ có thể thực hiện khảo sát, xét nghiệm tại 5-7 xã/ 184 xã, phường trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát hiện khoảng 50-70 ca mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Bé, số người mắc COPD trên thực tế cao hơn rất nhiều.
 
Do vậy, việc đẩy mạnh khảo sát, phát hiện bệnh COPD sớm có vai trò quan trọng, để người bệnh biết tình trạng bệnh và kịp thời can thiệp để kiểm soát, không cho bệnh tiến triển trầm trọng hơn.
 
Theo Tổ chức Y Tế Thế Giới, có trên 600 triệu người trên thế giới bị bệnh COPD, hơn 3 triệu người chết mỗi năm. COPD là nguyên nhân gây tử vong đứng vị trí thứ tư, sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch màu não.
 
Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi” Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới muốn thông tin tới cộng đồng hậu quả của việc sử dụng thuốc lá với sức khỏe con người, nhất là các bệnh về phổi. Đồng thời, kêu gọi các quốc gia có những hành động kịp thời, giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.