Cách bảo quản thức ăn thừa sau Tết

02:02, 12/02/2019
.

Bánh chưng, bánh tét, giò, chả, còn thừa sau những bữa cơm ngày Tết có thể được tận dụng hiệu quả, sáng tạo thành nhiều món ngon khác nhau.

Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều gia đình gặp phải tình trạng thức ăn còn dư thừa nhiều, bỏ đi không lỡ nên các bà nội trợ thường tìm cách giữ lại. Bảo quản thức ăn thừa sau Tết như thế nào là đúng cách?

ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ phương pháp bảo quản thức ăn như sau:
- Bánh chưng, bánh tét có thể cất vào ngăn mát. Khi bánh đã có lớp nhớt bên ngoài không nên dùng lại hay để vào ngăn đá. Với bánh bị khô, bạn có thể hấp hoặc chiên lại.

- Thịt kho, thịt luộc, giò chả sau khi dùng còn thừa nên cất vào ngăn mát để bữa ăn tới đem hâm lại. Nếu lưu giữ trên 3 ngày, bạn nên cho vào ngăn đá để đông, giữ được trong một tuần.
 

Với bánh chưng, bánh tét bị khô, bạn có thể hấp hoặc chiên lại. Ảnh: Vtimes
Với bánh chưng, bánh tét bị khô, bạn có thể hấp hoặc chiên lại. Ảnh: Vtimes


- Dưa hành, dưa kiệu có thể để bên ngoài. Nếu muốn chúng lâu chua, giảm lên men, bạn để vào ngăn mát tủ lạnh, giữ được 1-2 tuần.

Ngoài ra, chúng ta có thể tận dụng các món Tết còn thừa để chế biến thành những món khác như:

- Bánh chưng, bánh tét: Dát mỏng, cuộn cùng giò chả cắt sợi và củ kiệu hoặc hành ngâm ở giữa. Sau đó, bạn đem chiên giòn, ăn với rau sống.

- Thịt gà: Ta có thể dùng để nấu súp, cháo, hoặc xé nhỏ trộn gỏi. Phần thịt cũng có thể dùng làm ruốc (chà bông) gà.

- Các món thịt nguội, giò, chả, lạp xưởng: Bạn có thể thái lát, thái chỉ xào với rau củ và nấm. Ngoài ra, ta dùng giò chả còn thừa cắt hạt lựu để làm món cơm chiên. Một cách khách, giò, chả đem cắt hạt lựu, trộn cùng hành tây và ớt chuông, kết hợp trứng thành món trứng hấp, trứng chưng, trứng bác,...

- Trái cây: Bạn có thể làm thạch trái cây hoặc hoa quả trộn sữa chua.

Theo News.zing.vn

 


.