Cẩn trọng với các bệnh mùa hè

01:07, 11/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày qua, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ trong ngày khá cao, khiến người già và trẻ em nhập viện gia tăng.

Thời điểm này, ngành y tế đã tăng cường phòng, chống các bệnh có nguy cơ bùng phát trong mùa hè như tay chân miệng, các bệnh cúm...

Bệnh nhân nhập viện tăng

Theo thống kê của Khoa nhiệt đới (Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh), hiện toàn khoa có gần 40 bệnh nhân nhi đang điều trị bệnh tay chân miệng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Trong đó tỷ lệ trẻ bị độ nặng chiếm hơn 10%. Nhiều trường hợp gây biến chứng đến não rất nguy hiểm.

Bé Nguyễn Tiến Minh (8 tháng tuổi), ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) là một trong những trường hợp bị tay chân miệng độ 2 B. Do sốt cao, có biến chứng não, nên bé đang được theo dõi và điều trị tích cực. Chị Nguyễn Thị Nhiên, mẹ của bé, cho biết: “Lúc đầu thấy con sốt tưởng cháu bị cảm. Không ngờ đi khám, bác sĩ kiểm tra họng bé, mới biết con bị tay chân miệng”.

Thời tiết nắng nóng khiến người già và trẻ em nhập viện tăng.
Thời tiết nắng nóng khiến người già và trẻ em nhập viện tăng.


Bác sĩ Nguyễn Mậu Thạch, Khoa Nhiệt đới, khuyến cáo: “Mùa hè là thời điểm dễ bùng phát dịch bệnh tay chân miệng. Do vậy, cần chăm sóc trẻ kỹ hơn để tránh bị lây nhiễm. Vật dụng và đồ chơi của trẻ phải vệ sinh và khử trùng sạch sẽ. Trẻ cũng cần cung cấp đầy đủ dưỡng chất, để tăng sức đề kháng. Đặc biệt, nếu trẻ sốt cao, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng”.

Ngoài bệnh tay chân miệng, những ngày nắng nóng vừa qua, số trẻ em nhập viện mắc các bệnh liên quan đến tiêu hóa, hô hấp tăng gần gấp đôi ngày thường. Trung bình, mỗi ngày Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh tiếp nhận gần 400 trường hợp bệnh nhi nhập viện.

Với nền nhiệt độ cao như hiện nay, ngoài trẻ em thì người già cũng dễ mắc các bệnh do nắng nóng như tăng huyết áp, tim mạch... Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số ca nhập viện liên quan đến các bệnh này cũng tăng gần gấp đôi so với ngày thường.

Cảnh giác với cúm A/H1N1

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bác sĩ Hồ Minh Nên cho biết: Trước tình hình bệnh cúm A/H1N1 tại một số địa phương trong nước và đã xảy ra trường hợp tử vong, các bệnh viện đã chủ động phương án phòng ngừa. Trung tâm đã khuyến cáo người dân không chủ quan với bệnh.

Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 ở Quảng Ngãi, nhưng các bệnh viện trong tỉnh đã sẵn sàng ứng phó, nếu xảy ra dịch. Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cũng đã tăng cường thuốc, phác đồ điều trị, tập huấn công tác chuyên môn, trang thiết bị trong trường hợp xảy ra dịch cúm A/H1N1.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phạm Ngọc Lân cho biết, bệnh viện thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế và của Sở Y tế trong việc chủ động phòng chống dịch cúm A/H1N1. Đặc biệt, chú trọng khám, sàng lọc và cách ly những trường hợp có nghi ngờ mắc cúm, để tránh lây lan trong cộng đồng.

Còn theo Bác sĩ Hồ Minh Nên: “Cũng như một số bệnh cúm khác, cúm A/H1N1 là bệnh cúm mùa, nghĩa là bệnh xảy ra hằng năm, thường vào mùa đông xuân. Đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên. Cúm A/H1N1 là bệnh lành tính, bệnh nhân có thể hồi phục trong vòng một tuần. Tuy nhiên, đối với một số người có sức đề kháng yếu như trẻ em, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi hoặc người mắc các bệnh khác như tiểu đường, huyết áp hay bị bệnh mạn tính... bệnh cúm A/H1N1 có thể biến chứng viêm phổi và gây tử vong".

Bác sĩ Hồ Minh Nên cho biết thêm: Cúm A/H1N1 có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh chóng từ người sang người qua đường hô hấp, qua nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc, tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm mầm bệnh... Người bị nhiễm cúm A thường sốt, viêm họng, nhức đầu, ho, sổ mũi, mệt mỏi, cơ thể suy nhược... Cách phòng bệnh tốt nhất là nên tiêm vắcxin phòng bệnh. Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có đầy đủ vắcxin dịch vụ tiêm phòng một số chủng cúm, trong đó có cúm A/H1N1. Để phòng cúm mùa, bệnh nhân phải tiêm phòng hằng năm, mỗi năm một lần.


  Bài, ảnh: TRÍ PHONG

 


.