Trụ cột an sinh xã hội

10:09, 01/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, có nhiều ca bệnh rất nặng, phải điều trị kỹ thuật cao với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng phần lớn đều được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình.

TIN LIÊN QUAN

Phòng chăm sóc đặc biệt của Khoa Hồi sức tích cực chống độc (BVĐK tỉnh), nơi điều trị những bệnh nhân bệnh rất nặng, chủ yếu bị chấn thương sọ não, đa chấn thương, tai biến, suy tim, ung thư giai đoạn cuối, ngộ độc cấp. Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, bác sĩ Trịnh Quang Diêu cho biết, đây là những bệnh nhân nặng, phải nằm viện dài ngày và dùng kỹ thuật cao trong điều trị.

Với những ca bệnh viêm phổi, viêm não... chi phí điều trị hàng chục triệu đồng; những ca nặng hơn, chi phí điều trị có thể lên đến vài trăm triệu đồng. Một số trường hợp không có thẻ BHYT, gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong việc thanh toán viện phí và duy trì việc điều trị.

Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.


Tại Khoa Thận nhân tạo, những bệnh nhân mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều cho biết, việc mua thẻ BHYT có rất nhiều lợi ích khi điều trị bệnh, nhất là những ai phải chạy thận nhân tạo. Bệnh nhân Nguyễn Thị T (40 tuổi), xã Đức Hòa (Mộ Đức) có gần 10 năm chống chọi với căn bệnh suy thận mạn tính. Mỗi tuần chị phải lọc máu 3 lần, mỗi lần mất 4 tiếng đồng hồ.

Vì nhà xa, nên chị T thuê nhà trọ gần bệnh viện để ở và chờ đến đợt lọc máu, điều trị tiếp theo. Rất may chị T đã mua BHYT, nên đã giảm đáng kể chi phí điều trị. Hiện nay toàn tỉnh có gần 300 bệnh nhân bị bệnh suy thận mạn tính, phải chạy thận nhân tạo tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Các bệnh nhân này đều tham gia BHYT, nên có điều kiện điều trị liên tục, kéo dài tuổi thọ.
 

Theo thống kê của BHXH tỉnh, tổng chi phí KCB BHYT  trong 6 tháng đầu năm hơn 292 tỷ đồng, chiếm 64% dự toán chi 2017 được giao, tăng 66 % so với cùng kỳ năm 2016.  Tuy nhiên, hiện nay ngành BHXH tỉnh cũng đối diện với tình trạng bội chi quỹ BHYT. Ước cân đối quỹ tại tỉnh năm 2017, bội chi khoảng 150 tỷ đồng (riêng 6 tháng đầu năm bội chi khoảng 66 tỷ đồng).

Tôi có dịp gặp bệnh nhân Phạm Tấn Viên ở xã Bình Hòa (Bình Sơn) tại BVĐK tỉnh, khi ông đang nhận thuốc tại đây. Ông  xúc động nói: “Tôi mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng rất may nhờ BHYT chi trả chi phí gần 300 triệu đồng”. Còn ông Nguyễn Mạnh, ở xã Hành Dũng (Nghĩa Hành), cách đây 6 năm, ông cùng với vợ mua BHYT để “phòng thân”.

Tháng 11.2016, vợ ông Mạnh phát bệnh ung thư tuyến giáp, chi phí cho mỗi lần điều trị từ 20 - 35 triệu đồng. Tuy nhiên, nhờ có thẻ BHYT, nên gia đình chỉ chi trả 20% trong số chi phí này. "Nếu không có thẻ BHYT, chắc có lẽ phải bán nhà để lo điều trị", ông Mạnh bộc bạch.

Lợi ích của BHYT hiện nay mang lại là khá lớn, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT tại một số địa phương còn chậm. Theo đánh giá của BHXH tỉnh, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt hơn 85%, nhưng không bền vững.

Giám đốc BHXH tỉnh Trương Văn Nam cho biết, Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 1.6.2017. Theo đó, các cơ sở y tế công lập sẽ tăng giá hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Nếu người dân không tham gia BHYT sẽ đối diện với nhiều khó khăn khi ốm đau, nhất là những bệnh nặng, phải điều trị kỹ thuật cao, chi phí lớn. Thực tế, những người có mức sống trung bình, nếu không tham gia BHYT, không may bị bệnh nặng phải chi trả 100% viện phí, có thể làm gia đình trở nên khánh kiệt, rơi vào cảnh nghèo túng.   
 

Bài, ảnh: TRÍ PHONG
 


.