Báo động suy dinh dưỡng trẻ em ở miền núi

07:03, 29/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, ở các huyện miền núi tình trạng trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (SDD) là vấn đề đáng báo động. Thực trạng này cần sớm được giải quyết, nhằm tạo điều kiện cho trẻ em vùng cao phát triển về thể chất.

TIN LIÊN QUAN

Nhìn người mẹ trẻ Hồ Thị Hằng, ở xã Trà Phong (Tây Trà) đang bế con gái Hồ Thị Chúc tôi cứ ngỡ bé chỉ mới vài tháng tuổi. Trò chuyện mới hay cháu bé đã 3 tuổi. Chị  Hằng cho biết, lúc mang thai bé Chúc, gia cảnh quá khó khăn, nên chị không có điều kiện ăn uống đầy đủ, chỉ ăn rau rừng với muối, thỉnh thoảng mới có tí cá tươi dưới suối. Con gái chị SDD từ trong bào thai, nên dù đã 3 tuổi, nhưng cân nặng chỉ 4,8kg.

Một cặp vợ chồng trẻ ở huyện Tây Trà với gia cảnh khó khăn, con trai bị suy dinh dưỡng.
Một cặp vợ chồng trẻ ở huyện Tây Trà với gia cảnh khó khăn, con trai bị suy dinh dưỡng.


Ở các xã vùng cao, không riêng gì trường hợp con của chị Hằng mà dễ dàng bắt gặp hình ảnh trẻ em còi cọc, SDD. Ở huyện Tây Trà, Trà Nham là địa phương có tỷ lệ trẻ SDD cao nhất huyện. Toàn xã có đến 51,4% trẻ SDD thể cân nặng và 53,7% thể thấp còi.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao, nhiều gia đình cuộc sống khó khăn, nên trẻ em bị thiếu chất ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ. Khi trẻ sinh ra lại không được ăn uống đầy đủ chất, vì thế hay ốm đau, suy nhược cơ thể, dẫn tới còi cọc, chậm lớn. Thêm vào đó, những ông bố, bà mẹ trẻ ở vùng cao thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc con, nên trẻ bị SDD nặng hơn. “Dù chúng tôi đã tuyên truyền, hướng dẫn các gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ để phòng SDD, nhưng để thay đổi phong tục tập quán của bà con gặp rất nhiều khó khăn”, chị Nguyễn Thị Cảnh, cán bộ phụ trách công tác phòng, chống SDD xã Trà Nham cho hay.

 Cán bộ phụ trách công tác phòng, chống SDD huyện Tây Trà Nguyễn Thị Tuyết Xuân cho biết, năm 2016 tỷ lệ SDD thể cân nặng toàn huyện chiếm 46,7% và thể thấp còi 53%. Công tác phòng, chống SDD trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ sinh đẻ tại nhà cao, nhiều chị em ăn uống không đủ chất, nên không đủ sữa nuôi con hoàn toàn trong 6 tháng đầu; chưa cho trẻ ăn bổ sung đúng cách.  Ngoài ra, với mức thù lao cho chuyên trách phòng chống SDD ở các xã mỗi tháng chỉ  20 nghìn đồng, nên chưa động viên, khuyến khích cán bộ hoạt động.

Công tác phòng chống SDD trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân từ 18% năm 2011, nay đã giảm xuống còn 15%.  Tuy nhiên, tỷ lệ SDD thể thấp còi còn khá cao, từ 27% năm 2011 đến nay  giảm còn 24,6%, cao hơn mức trung bình cả nước14%. Tỷ lệ bình quân SDD trẻ em dưới 5 tuổi thể cân nặng là 35,3%, thể thấp còi 41,9%. Cao nhất là huyện Sơn Tây với 58,9%.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Võ Thìn, cho rằng: “Hiện trên địa bàn huyện vấn nạn tảo hôn cũng còn nhức nhối, nên phần nào ảnh hưởng đến tỷ lệ SDD ở trẻ em. Nhiều học sinh cấp hai chỉ thấp bằng học sinh tiểu học. Kinh tế khó khăn, nên người dân chưa có điều kiện chăm lo tốt cho trẻ. Hiệu quả công tác phòng chống SDD chưa phát huy hiệu quả".

Trẻ SDD không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, trí tuệ, khả năng học hành và khả năng lao động, mà còn là nguyên nhân gây nên một số bệnh mãn tính khi bước vào tuổi trưởng thành. Để cải thiện tình trạng này, không chỉ riêng ngành y tế mà đòi hỏi sự cố gắng của toàn xã hội. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ cần được thực hiện song hành với các chương trình xóa đói, giảm nghèo.
                  

Bài, ảnh: KN
 


.