Cẩn trọng với động vật nuôi

03:09, 02/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, tính đến hết tháng 7.2016, toàn tỉnh có 4.195 trường hợp phải tiêm vắcxin phòng dại và huyết thanh kháng dại, trong đó chủ yếu là do bị chó cắn.

Nhiều tình huống không ngờ

Đưa con đi tiêm ngừa tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, phụ huynh của em Ngô Minh Hiếu ở xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) cho hay, khi đang chơi gần nhà thì Hiếu bị chó hàng xóm cắn. Tình huống khá bất ngờ, khiến Hiếu bị nhiều vết thương, trầy xước nặng trên cánh tay. Lo lắng cho con, nên phụ huynh của Hiếu đưa con đi tiêm ngừa. Đối với trường hợp của Hiếu phải tiêm vắcxin phòng dại và huyết thanh kháng dại.

 

Nhiều trường hợp bị động vật nuôi cắn phải đi tiêm phòng dại.
Nhiều trường hợp bị động vật nuôi cắn phải đi tiêm phòng dại.


Thời gian qua, nhất là những tháng nắng nóng, theo ghi nhận có khá nhiều trường hợp bị động vật nuôi cắn phải đi tiêm phòng. Như trường hợp của chị Đinh Thị Thái ở Sơn Giang (Sơn Hà), giữa tháng 8, khi đang làm thuê, chị Thái bị chó của nhà chủ cắn vào chân. Còn đối với trường hợp của ông Chế Tường Viên, ở Tịnh Giang (Sơn Tịnh) thì bất ngờ hơn, khi ông đang đi tập thể dục buổi sáng thì bị chó nhà hàng xóm cắn vào bắp chân.
 

Để khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại vào năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới và Hiệp hội Thú y Thế giới đã quyết định lấy ngày 28 tháng 9 hằng năm là Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại. Theo khuyến cáo, để phòng chống bệnh dại, cần tiêm phòng dại cho chó, mèo; hạn chế nuôi chó; nuôi chó phải nhốt, xích. Chó ra đường phải có rọ mõm. Những người tiếp xúc với chó, mèo dại và những người bị chó mèo dại cắn phải đi tiêm phòng dại càng sớm, càng tốt.

Hi hữu hơn là trường hợp của chị Lê Thị Phương Dung, ở Đức Lân (Mộ Đức) khi đang dừng đèn đỏ ở ngã tư Lê Thánh Tôn - Phạm Văn Đồng (TP.Quảng Ngãi) thì bị chó cắn vào chân. Ngoài ra, còn có những trường hợp trẻ em, nhất là trẻ nhỏ từ 1 - 4 tuổi, bị chó nuôi trong nhà cắn.

Đa phần các trường hợp này bị cắn vào mặt, gây nguy hiểm đến sức khỏe phải đi tiêm phòng. Hoặc có trường hợp chủ nhà nuôi chó béc-giê, thường ngày vẫn hay vui đùa với chúng, nhưng bất ngờ bị cắn phải đi tiêm phòng.

Cần chú ý đến vật nuôi

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, năm 2015, toàn tỉnh có 6.539 trường hợp tiêm vắcxin phòng dại và huyết thanh kháng dại. Còn tính từ đầu năm 2016 đến hết tháng 7, toàn tỉnh có 4.195 trường hợp tiêm phòng (tăng 195 ca so với cùng kỳ năm 2015), trong đó có 3.540 trường hợp bị chó cắn, 508 trường hợp bị mèo cắn...

Tại Trung tâm Y tế Dự phòng TP.Quảng Ngãi, những ngày qua, số người đến tiêm ngừa vắcxin phòng dại khá đông. Số liệu thống kê đến hết tháng 7.2016, có 1.451 ca tiêm phòng dại (tăng 33% so với cùng kỳ năm 2015), trong đó số ca tiêm phòng bệnh dại thường tăng dần từ tháng 3 đến hết tháng 9.

Lý giải cho điều này, bà Lê Thị Bích Thu - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.Quảng Ngãi cho biết, bệnh dại hay phát sinh vào những tháng nắng nóng. Đa phần các trường hợp bị súc vật cắn thường chủ quan vì là vật nuôi trong nhà. Trong trường hợp bị chó, mèo cắn, kể cả số đã tiêm phòng, người bị cắn cần phải rửa ngay vết thương bằng nước sạch, xà phòng đặc hoặc dung dịch sát khuẩn, sau đó đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm ngừa.

Bài, ảnh: BẢO HÒA
 


.