Dừng lại 2 con để nuôi dạy cho tốt

07:06, 23/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Hrê, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng xã miền núi Nghĩa Thọ vẫn là địa phương điển hình của huyện Tư Nghĩa trong thực hiện tốt chính sách dân số.

TIN LIÊN QUAN

Nghĩa Thọ là xã miền núi phía tây của huyện Tư Nghĩa, nay đã có nhiều khởi sắc. Con đường dẫn vào xã được bê tông, những ngôi nhà sàn được cách điệu, xen lẫn cùng những ngôi nhà ngói khang trang nằm dưới chân núi. Đây là minh chứng cho những đổi thay trong đời sống kinh tế của bà con dân tộc Hrê nơi đây.

 

Nhờ thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, gia đình anh Phạm Hùng có điều kiện thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.
Nhờ thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, gia đình anh Phạm Hùng có điều kiện thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.


Từng là địa phương có tỉ lệ hộ nghèo gần như 100%, nhưng nay giảm còn 34%. Kết quả này một phần là nhờ người dân thực hiện tốt chính sách dân số. Ông Phạm Vương - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thọ, phấn khởi nói: “Trước đây, nhiều hộ có tư tưởng trời sinh voi, trời sinh cỏ; quan niệm phải có con trai nên tình trạng đẻ dày, đẻ nhiều rất phổ biến. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách dân số, người dân đã nhận ra lợi ích của việc sinh ít con nên chấp hành nghiêm túc”. Điều đó cho thấy, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Nghĩa Thọ đã có thay đổi rất lớn trong nhận thức về công tác dân số.

Chị Đinh Thị Dung - Cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết: Chúng tôi xác định việc tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Không chỉ phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... đến tuyên truyền tại các cuộc họp KDC, chúng tôi còn trực tiếp đến những gia đình sinh con một bề hoặc một số cặp vợ chồng chưa nhận thức thấu đáo về chính sách DS - KHHGĐ để tuyên truyền, vận động thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Qua đó nắm được tâm tư của những cặp vợ chồng sinh con một bề để khuyên giải, vận động họ dừng lại ở 2 con để nuôi dạy con tốt. Ngoài ra, chúng tôi còn lồng ghép nội dung tuyên truyền về lợi ích của mô hình ít con và hệ lụy của sự đông con.

Bên cạnh đó, cán bộ chuyên trách dân số xã, nhân viên y tế thôn hỗ trợ, tư vấn các biện pháp tránh thai hiện đại, phòng tránh nhiễm khuẩn đường sinh sản; làm mẹ an toàn, chế độ dinh dưỡng hợp lý cho phụ nữ mang thai và trẻ dưới 5 tuổi... Nhờ vậy, ngày càng có nhiều gia đình ý thức về việc giảm sinh, áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.

Theo chân cán bộ dân số xã, chúng tôi đến thăm nhà chị Phạm Thị Xưa, ở  thôn 1. Vợ chồng chị  làm nông, sinh hai con một bề là gái. “Thời bây giờ, con gái cũng như con trai thôi, sinh nhiều con làm gì cho khổ. Quan trọng là các con chăm ngoan, học giỏi là được”, chị Xưa tâm sự. Không sinh thêm con, nên đời sống kinh tế gia đình chị ngày một khá hơn. Hai cô con gái được cha mẹ quan tâm, chăm sóc đầy đủ nên các cháu ngoan, học giỏi. Đến nay con gái lớn của chị đã học Đại học Bình Dương và cô con gái thứ 2 đang học lớp 8.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thọ, ông Phạm Vương cho biết thêm, kết quả không sinh con thứ 3 hiện cũng chưa bền vững. Để duy trì tốt thành tích trên, ngoài hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động truyền thông giáo dục thường xuyên tại các khu dân cư, chúng tôi chỉ đạo Ban dân số xã hằng tháng phối hợp với trưởng thôn lồng ghép chương trình truyền thông dân số vào các buổi họp thôn và vận động các cặp vợ chồng trong diện tuổi sinh đẻ vươn lên xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.


Bài, ảnh: Trí Phong  



 


.