Lo ngại thực phẩm không an toàn

09:05, 06/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chưa bao giờ vấn đề thực phẩm “bẩn” lại nóng như hiện nay. Đặc biệt là thịt và các sản phẩm từ thịt, rau, củ, quả... mất an toàn đang là nỗi ám ảnh thật sự của mọi người, mọi nhà.

Theo khảo sát của chúng tôi, toàn TP. Quảng Ngãi có 3 cơ sở sản xuất măng, dưa muối có quy mô lớn. Con hẻm nhỏ dẫn vào cơ sở sản xuất măng của anh Trần Văn Hà ở tổ 11, phường Nghĩa Chánh (TP. Quảng Ngãi) nhếch nhác, nước thải từ các thùng dưa, măng muối bốc mùi hôi. Nói tiếng là cơ sở, nhưng đây chỉ là bãi đất trống được chủ cơ sở tận dụng che chắn để sản xuất. Các thùng muối măng đều khá bẩn, bên trên là những tảng đá chưa được cọ rửa; dưới nền nước thải chảy lênh láng, ruồi nhặng bay khắp nơi. Nhiều bịch măng và dưa muối vẫn còn để dưới nền đất.

Cơ sở chế biến măng nhếch nhác của anh Trần Văn Thành.
Cơ sở chế biến măng nhếch nhác của anh Trần Văn Thành.


Mỗi ngày cơ sở bỏ mối tại các chợ trên địa bàn thành phố và khu vực lân cận khoảng 100kg măng và dưa muối. Cạnh đó là cơ sở muối măng của anh Trần Văn Thành, hình thành tự phát, mọi vật dụng muối măng đều để ngoài trời, không đảm bảo điều kiện vệ sinh theo quy định, chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh. Đây là lý do khiến người tiêu dùng hoang mang khi dùng các thực phẩm. “Tôi cũng muốn đầu tư quy mô và sạch sẽ hơn, nhưng điều kiện kinh tế còn khó khăn nên chưa làm được”, anh Thành giãi bày.

Theo anh Thành, số măng này được lấy từ Gia Lai, được luộc chín, sau đó cơ sở đem muối, dùng nước máy chứ không bỏ bất kỳ hóa chất nào. Từ khi cơ quan chức năng thông tin có chất vàng ô trong măng, dưa thì hàng của anh không bán chạy như trước. Chị Bùi Thị Thanh Văn, ở phường Nghĩa Chánh, một cơ sở muối măng quy mô lớn cũng lâm vào tình cảnh trên. Trước đây, mỗi ngày chị bán hơn 1 tạ măng, nhưng những ngày gần đây, chị bán chưa tới 50kg/ngày.

Ông Nguyễn Văn Oai - Chi cục trưởng Chi Cục VSATTP tỉnh cho biết: “Qua kiểm tra ban đầu, chúng tôi chưa phát hiện 3 cơ sở trên dùng hóa chất. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã lấy mẫu kiểm nghiệm theo quy định để sớm thông tin đến người tiêu dùng”.

Hiện nay, chuyện đi chợ chọn mua thực phẩm có lẽ là điều làm đau đầu người nội trợ nhất. Bởi nhìn thực phẩm bằng mắt thường thì không biết loại nào là an toàn, loại nào có sử dụng thuốc trừ sâu, kháng sinh. Thực tế hiện nay, việc kiểm soát các loại thịt chỉ mới dừng lại ở kiểm soát dịch bệnh tại các chợ đầu mối. Riêng kiểm soát chất lượng thịt bày bán trên sạp có chứa chất cấm trong chăn nuôi như chất tạo nạc hay có tồn dư kháng sinh hay không thì vẫn chưa thực hiện được. Tại các chợ tự phát, việc kiểm soát dịch bệnh cũng như chất lượng thịt còn khó khăn hơn. Nguồn gốc và chất lượng của các loại rau, củ ở các chợ vẫn chưa được ngành chức năng của tỉnh quản lý chặt chẽ.
                        

Bài, ảnh: KN

 


.