Ngời đẹp áo trắng vùng cao

09:03, 01/03/2016
.

(Baoquangngai.vn)- 15 năm gắn bó với nghề là 15 năm vượt qua cuộc sống khó khăn và trở ngại của lòng người để nhận lại sự tin tưởng, thương yêu . Đó là quãng thời gian đủ dài để vợ chồng bác sĩ Đinh Thị Thùy và y sĩ Hồ Văn Điếu cùng nhau quyết tâm dốc mọi sức lực vì sức khỏe của người dân ở xã vùng cao Sơn Bao (Sơn Hà).
Vừa tiễn bệnh nhân cuối cùng của buổi sáng ra về, bác sĩ Đinh Thị Thùy (sn 1981)- Trạm trưởng Trạm y tế xã Sơn Bao trên trán vẫn còn lấm tấm mồ hôi, vui vẻ nói: “Ngày nào bệnh nhân cũng đến đông. Làm nghề y thì sợ nhất là người dân không tin tưởng mà tìm đến để được khám bệnh và tư vấn”. Sau một buổi chờ đợi, chúng tôi mới có cơ hội nghe bác sĩ Thùy cùng chồng là y sĩ Hồ Văn Điếu kể về câu chuyện của họ.
 
Những ngày đầu gian khó
 
Sau khi cùng tốt nghiệp tại Trường Trung cấp y Quảng Ngãi, đầu năm 2000, hai y sĩ trẻ tuổi với bầu nhiệt huyết sục sôi quyết định xin về công tác tại Trạm y tế xã Sơn Bao. Hành trang đem theo chẳng có gì nhiều ngoài những kiến thức học được ở trường cùng lời dặn “thầy thuốc như mẹ hiền”. Những con người giàu ý chí đến với mảnh đất còn nghèo khó đã gặp không ít những khó khăn ban đầu.
 
“Lúc đó, khó khăn đầu tiên là chuyện ở đâu. Vợ chồng mới cưới nên chả có vốn để mua đất, xây nhà. Chúng tôi đành xin phép ở nhờ mảnh đất phía sau trạm y tế. Ngôi nhà đầu tiên của chúng tôi đơn giản lắm với 8 tấm tôn để lợp mái và vô số vỏ bao xi măng được tận dụng để che gió lùa. Tuy khổ và khó, nhưng làm sao khó bằng việc thuyết phục người dân hiểu và tin tưởng vào y học hiện đại”- anh Điếu trầm ngâm hồi tưởng về những ngày đầu nhận công tác.

 

Vượt qua những gian nan lúc đầu, vợ chồng bác sĩ Thùy đã nhận được sự tin tưởng của đồng bào địa phương để đến khám chữa bệnh tại trạm
Vượt qua những gian nan lúc đầu, vợ chồng bác sĩ Thùy đã nhận được sự tin tưởng của đồng bào địa phương để đến khám chữa bệnh tại trạm
 
Những ngày ấy là những ngày người dân ở vùng cao hẻo lánh cách xa trung tâm huyện còn tin vào những điều mê tín hơn những mũi tiêm, viên thuốc. Mỗi tháng trạm y tế xã đón tiếp chưa đến 10 bệnh nhân. Công việc chiếm phần lớn thời gian của các y sĩ mới vào nghề tại trạm là cuốc bộ đi đến từng hộ dân để vận động người dân uống thuốc chữa bệnh thay vì cúng bái và cúi mình sợ hãi sự quấy phá của “con ma rừng”.
 
Những ngày ấy là những ngày anh cùng chị và các đồng nghiệp lội suối băng rừng đến mệt nhoài để đi đến các hộ dân vận động họ cho con em mình tiêm chủng phòng bệnh. Và những con người tận tụy chỉ trở về nhà khi mặt trời đã lặn từ lâu với đôi chân nhừ mỏi sau khi lội bộ hơn 14km để đến thôn xa nhất trong xã. Thế nhưng, họ vẫn kiên trì đến mức bền bỉ. Họ không ngại khoảng cách về địa lý để thu ngắn khoảng cách ở lòng người.
 
“Đồng bào ở địa phương những năm 2000 còn có tư tưởng lạc hậu lắm. Mình đến vận động, thuyết phục họ mà không ít lần bị xua đuổi vì nghĩ rằng tiêm thuốc, uống thuốc sẽ khiến sức khỏe họ yếu hơn, dễ mắc bệnh hơn. Nhưng mình cứ kiên nhẫn giải thích từng tí từng tí một, rồi người dân cũng hiểu và nghe theo mình”- Bác sĩ Thùy chia sẻ.
 
 Luôn coi bệnh nhân là người nhà
 
Trải qua 15 năm gắn bó với nghề và với mảnh đất Sơn Bao, đến hiện tại, vợ chồng anh Điếu và chị Thùy đã sống một cuộc sống đủ đầy hơn và nhận được sự tin yêu của phần lớn người dân trong xã về tay nghề chữa bệnh. Thế nhưng, họ vẫn thường nhắc nhau nhớ về những ngày đầu gian khó ấy để có thêm quyết tâm cống hiến cho nghề và cho người.
 
“Chỉ cần vượt qua được khó khăn lớn nhất là nâng cao ý thức của người dân với y học hiện đại thì việc gì chúng tôi cũng có thể vượt qua. Chuyện làm nghề chẳng có gì khó cả, chỉ cần luôn xem bệnh nhân như người nhà. Bệnh nhân đau, mình sẽ quan tâm săn sóc như thể người thân mình đau thôi”- chị Thùy khẳng định. Từ một trạm y tế chẳng mấy khi có người đến khám, nay Trạm y tế Sơn Bao luôn đón khoảng 20 bệnh nhân mỗi ngày.
 
“Mỗi lần tôi và người nhà đau ốm thì đều đến trạm để khám và xin thuốc chứ không sợ con ma rừng nữa. Cũng nhờ vào có bác sĩ Thùy, y sĩ Điếu và các y sĩ khác mà chúng tôi mới được quan tâm về sức khỏe như thế”- bà Đinh Thị Tiên ngụ thôn Tà Lương hồ hởi nói.

 

Bác sĩ Đinh Thị Thùy và chồng là y sĩ Hồ Văn Điếu luôn dành thời gian đến động viên, thăm khám sức khỏe cho các hộ dân trong xã
Bác sĩ Đinh Thị Thùy và chồng là y sĩ Hồ Văn Điếu luôn dành thời gian đến động viên, thăm khám sức khỏe cho các hộ dân trong xã
 
Không chỉ vậy, hằng tháng đôi vợ chồng y bác sĩ luôn dành thời gian đến nhà các hộ dân để chuyện trò và động viên người dân mỗi khi ốm đau. “Điều đáng mừng là người già trong xã, mỗi khi có ai ốm yếu không thể tới trạm hay đổ bệnh đột xuất thì chỉ cần gọi, bác sĩ Thùy cùng chồng là y sĩ Điếu đều có mặt bất kể ngày đêm để tận tình cứu chữa, bà con không phải chạy đi xa ở tuyến huyện nữa”- Bà Tiên chia sẻ thêm.
 
Để vượt qua những gian khó thuở đầu, đôi vợ chồng trẻ làm nghề y đã tự cổ vũ, động viên nhau rất nhiều lần. Khi được hỏi cả hai người làm cùng nghề y thì có vất vả gì không, khuôn mặt hai anh chị đều ánh lên nét vui vẻ không thể giấu. “Chỉ có lợi thôi. Tôi vốn là người Cor, vợ là người H’re nên cô ấy đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc giao tiếp với các bệnh nhân H’re ở vùng Sơn Bao này. Rồi những lúc mệt mỏi vì nghề, chúng tôi coi nhau là điểm tựa để cùng cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt trách nhiệm với bệnh nhân”- anh Điếu tự hào nói.
 
Còn đối với chị Thùy, những ngày chị được cử đi học xa nhà để trở thành bác sĩ chuyên khoa I (giai đoạn 2010-2015), việc nhà chồng chất cùng hai đứa con đang tuổi ăn học đều được anh Điếu đảm nhận. Thế cho nên, chị luôn an tâm để nâng cao tay nghề trở về phục vụ chăm sóc người dân.
 
Chia tay đôi vợ chồng tận tụy với nghề y, chúng tôi xuống núi trở về phố thị với ngổn ngang những dòng suy nghĩ. Dẫu ở vùng cao ấy còn nhiều thiếu thốn lắm, nhưng những con người khoác lên mình chiếc blu trắng vẫn tự hào cống hiến sức lực và tài năng vì sức khỏe của đồng bào H’re. Ở họ, ngọn lửa đam mê vì nghề chưa bao giờ tắt, mặc cho sóng gió gian nan của 15 năm đã qua và nhiều năm sau nữa…
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.