Sẵn sàng chăm sóc bệnh nhân trong dịp Tết

01:02, 05/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm nay được nghỉ 9 ngày. Thời gian nghỉ nhiều nên việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện nhân vật lực cần thiết phục vụ khám, điều trị cho bệnh nhân được các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai. Ngành y tế nỗ lực đảm bảo 100% người bệnh được thăm khám và điều trị kịp thời trong dịp Tết.

TIN LIÊN QUAN

Chuẩn bị chu đáo

Tối 31.1 vừa qua, các y, bác sĩ Phòng Cấp cứu - BVĐK tỉnh phải “toát mồ hôi” tập trung cấp cứu và điều trị cho 37 bệnh nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) vào cùng một lúc. Rất may, bệnh viện có sự chuẩn bị chu đáo, nên không bị động trong quá trình tập trung cứu chữa cho người bệnh. Sau hai ngày điều trị, các bệnh nhân ổn định sức khỏe được xuất viện. Thời điểm cận Tết, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện khá đông (gần 1.000 bệnh nhân). Năm nay, dự kiến có khoảng 500 bệnh nhân phải ăn Tết trong bệnh viện. Đến thời điểm này, bệnh viện đã chủ động đầy đủ về nhân lực, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất sinh phẩm, nguồn máu... bảo đảm xử lý kịp thời tất cả các trường hợp nhập viện. Đồng thời, bố trí nhân lực trực 24/24 giờ ở tất cả các khoa và ngoài ban trực chính còn có ban trực phụ để tăng cường khi cần thiết.

Bệnh nhân chạy thận phải ăn Tết trong bệnh viện.
Bệnh nhân chạy thận phải ăn Tết trong bệnh viện.


Ở những khoa trọng điểm, bệnh nhân thường tăng đột biến trong dịp Tết như cấp cứu, chấn thương, hồi sức tích cực... bệnh viện điều động thêm nhân lực là những bác sĩ giỏi ở các khoa khác để tăng cường. Ngoài ra, các đội cấp cứu ngoại viện cũng được thành lập, sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ khi có lệnh điều động. Không chỉ tập trung cao độ về chuyên môn, bệnh viện cũng đặc biệt coi trọng việc chăm lo đời sống tinh thần cho người bệnh. Bệnh viện còn chuẩn bị một cái Tết chu đáo, ấm cúng cho những người không may mắn phải đón năm mới trên giường bệnh.

Phòng cấp cứu, thuộc Khoa Khám bệnh BVĐK tỉnh là nơi tiếp nhận bệnh nhân đến khám và điều trị trong dịp Tết. Hiện tất cả các điều kiện cần thiết phục vụ cho khám và điều trị được khoa lên lịch rõ ràng và cụ thể. Khoa được Bệnh viện tăng cường bổ sung 2 bác sĩ và 4 điều dưỡng để triển khai trực 4 ca, thay vì 3 ca như ngày thường.     Bác sĩ Nguyễn Thái Hưng- Trưởng Khoa Khám bệnh cho biết: Khoa đã triển khai kế hoạch, nhân lực thuốc, vật tư tiêu hao để cấp cứu người bệnh khi quá tải. Đối với những vụ TNGT phải cấp cứu hàng loạt hay ngộ độc thực phẩm thì sẽ phối hợp với các khoa, phòng liên quan để hỗ trợ.

Với đặc thù là nơi tiếp nhận chăm sóc, điều trị bệnh nhân bị bệnh khá nặng, nên áp lực đối với y, bác sĩ tại Khoa hồi sức tích cực chống độc vào dịp Tết khá nặng. Đặc biệt, những ngày giáp Tết bệnh nhân tại đây luôn quá tải, dao động từ 30-35 bệnh nhân. “Để giải quyết cấp cứu, điều trị bệnh nhân, Khoa phải tăng cường thêm nhân lực, trang thiết bị và kê thêm giường, đảm bảo 1 bệnh nhân nằm một giường bệnh”, bác sĩ Trịnh Quang Diêu - Trưởng khoa cho biết. Trong ngày Tết, việc chuẩn bị nguồn máu dự trữ kịp thời cấp cứu người bệnh là vô cùng cần thiết. Khoa vừa huy động 650 đơn vị máu để dự trữ cấp cứu, điều trị cho người bệnh trong Tết. Ngoài ra, khoa huy động thêm ngân hàng máu sống tại bệnh viện, sẵn sàng cung cấp máu nếu bệnh nhân tăng đột biến.

Còn tại Khoa Thận nhân tạo, hiện có 145 bệnh nhân đang chạy thận. “Đa số người bệnh phải chạy thận liên tục trong dịp Tết, nên khoa bố trí nhân lực và dịch dự trữ để kịp thời phục vụ người bệnh”, bác sĩ Phạm Thị Thu Trang cho hay. Bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Hà, ở xã Đức Hòa (Mộ Đức) ngậm ngùi nói: “Tôi chạy thận đã 3 năm nay. Đối với người bệnh như chúng tôi Tết nào cũng phải vào viện chạy thận. Dù rất buồn, nhưng được y, bác sĩ ở đây động viên, giúp đỡ, cũng phải cố gắng để chạy thận được liên tục, mới ổn định sức khỏe”.

Đảm bảo điều trị kịp thời

Công tác chuẩn bị cho khám, chữa bệnh không chỉ ở bệnh viện tuyến tỉnh mà tất cả các đơn vị y tế đều lên kế hoạch cụ thể và chu đáo. Tất cả các bệnh viện đều bố trí trực 4 cấp: Trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ. Lịch trực được phân công cụ thể cho từng bộ phận. Đối với các bệnh viện tuyến huyện, tất cả các vị trí đều được tăng cường đủ về con người, trang thiết bị, bảo đảm người bệnh được khám và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, các bệnh viện đều bố trí đội ngũ bác sĩ thường trực tại nhà, khi cần tăng cường là có mặt kịp thời. Các phương án về thuốc, dịch truyền, máu, xe cấp cứu... được chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ tuyến dưới nếu có vấn đề xảy ra. Tại tuyến xã, các trạm y tế ngoài khám chữa bệnh ban đầu còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong việc ăn chín uống sôi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc trong những ngày Tết.  

Bác sĩ Mai Hữu Hậu - Giám đốc Trung tâm Quân dân y Lý Sơn cho biết: “Chúng tôi tăng cường 2 kíp mổ với 8 cán bộ y, bác sĩ nhằm đảm bảo cấp cứu kịp thời cho người bệnh, nếu chẳng may thời tiết biến động, tàu cao tốc không thể vào đất liền được”. Các cơ sở y tế tư nhân cũng tăng cường công tác chuẩn bị, chủ động dự trữ đủ thuốc, dịch truyền và các phương tiện để tiếp nhận bệnh nhân. Trong những ngày Tết, các bệnh viện đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà, chúc Tết người bệnh, tạo không khí đón xuân vui tươi, đầm ấm, giúp họ giảm bớt nỗi đau bệnh tật.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tấn Đức - Giám đốc Sở Y tế:
Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh phải có kế hoạch đảm bảo công tác điều trị, phục vụ người bệnh; đảm bảo ANTT; chủ động đối phó với dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt, đặc biệt là TNGT có thể xảy ra.  Cùng với đó là dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh. Các đơn vị bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Cung ứng đủ thuốc cho công tác cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh vì nguy cơ bùng phát dịch mùa đông – xuân rất cao. Không để bất cứ sai sót nào xảy ra trong khám, chữa bệnh, đồng thời quan tâm, chăm lo cho người bệnh phải nằm lại bệnh viện trong dịp Tết.

Bác sĩ Phạm Ngọc Lân - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh:
Công tác chuẩn bị được BVĐK tỉnh tiến hành chi tiết, kỹ lưỡng với đầy đủ các phương án, phân công cụ thể, nhằm đảm bảo không để xảy ra bất cứ sai sót nào. Chúng tôi phân công cho các phòng chức năng lo về vật tư y tế, dược, các khoa xét nghiệm, máu và các khoa cận lâm sàng, đặc biệt là các điểm nóng, như cấp cứu, khoa ngoại chấn thương, hồi sức cấp cứu, phòng mổ... đều được chuẩn bị rất chu đáo. BVĐK tỉnh cũng tổ chức các chương trình thăm, tặng quà và chào đón giao thừa cho những bệnh nhân không may phải điều trị tại Bệnh viện trong dịp Tết.

Bác sĩ Hồ Minh Nên - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh:
Những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lượng người đi làm ăn xa trở về nhiều, sự giao lưu dân cư không được kiểm soát này là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh lây lan nhanh, đặc biệt là các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa. Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, hệ thống y tế dự phòng đã chuẩn bị các phương án ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ. Trung tâm y tế các huyện, thành phố phối hợp với trạm y tế đẩy mạnh tuyên truyền về vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh; giám sát các bệnh truyền nhiễm ở người và gia cầm tại cộng đồng. Đồng thời, chuẩn bị thuốc, hóa chất và các trang thiết bị y tế để ứng phó khi có dịch xảy ra.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần:
Trước Tết, bệnh viện chủ động giải quyết một số trường hợp ổn định sức khỏe để về đoàn tụ với gia đình. Trong dịp Tết năm nay, có khoảng 30 bệnh nhân phải ăn Tết trong bệnh viện. Bệnh viện đã chủ động về nhân lực, trang thiết bị y tế, thuốc, thực phẩm, thức ăn... bảo đảm xử lý kịp thời các rối loạn tâm thần và phục vụ dinh dưỡng tất cả các trường hợp nhập viện. Không chỉ tập trung cao về chuyên môn, bệnh viện cũng đặc biệt coi trọng việc chăm lo đời sống tinh thần cho người bệnh, giúp họ vơi đi thiệt thòi, như tổ chức cho người bệnh ăn Tết và hỗ trợ thêm suất ăn cho người bệnh.                                        

 


Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.