Khó khăn ở Trung tâm Y tế huyện Tây Trà

10:12, 31/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trung tâm Y tế huyện Tây Trà được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng, đưa vào sử dụng đầu năm 2015, tạo điều kiện cho người dân trong huyện được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên, chất lượng khám, chữa bệnh nơi đây còn nhiều hạn chế.

TIN LIÊN QUAN

Thiếu bác sĩ chuyên khoa

Trung tâm Y tế huyện Tây Trà được đầu tư 17 tỷ đồng, với quy mô 50 giường bệnh. Trung tâm có 3 khoa lâm sàng: Khám cấp cứu, ngoại sản và nội nhi nhiễm. Trung bình mỗi ngày có khoảng 50 -70 bệnh nhân ngoại trú và 50 bệnh nhân điều trị nội trú, nhưng chỉ có 7 bác sĩ, mà đa số là bác sĩ đa khoa.

 Máy X-Quang được trang bị hiện đại, nhưng thiếu bác sĩ sử dụng.
 Máy X-Quang được trang bị hiện đại, nhưng thiếu bác sĩ sử dụng.


Bác sĩ Châu Nguyễn Thương - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện trăn trở:  “Nhờ tự đào tạo liên thông bác sĩ, nên trung tâm mới được bổ sung thêm được 4 bác sĩ, chứ cách đây 2 năm, đơn vị hoạt động trong tình trạng chỉ có 3 bác sĩ, trong đó có 2 bác sĩ là lãnh đạo. Số bác sĩ mới về ít có kinh nghiệm nên cũng ảnh hưởng nhất định đến công tác khám, điều trị bệnh”. Những bệnh nặng cần phẫu thuật, Trung tâm Y tế huyện đành “lực bất tòng tâm” vì thiếu bác sĩ chuyên khoa. Tại phòng mổ, có hai máy tạo ôxy cũng chưa sử dụng. “Tiền không thiếu, trang thiết bị hiện đại đều có thể trang bị, nhưng bác sĩ chẳng chịu về nơi xa xôi cách trở, nên có sắm trang thiết bị phòng mổ cũng hiếm khi sử dụng", bác sĩ Châu Nguyễn Thương nói.

Còn bác sĩ Trần Thanh Long thì lo lắng: “Rất nhiều sản phụ ở địa bàn các xã xa đến trung tâm trong tình trạng đẻ khó, thai ngược; hay trường hợp đau ruột thừa... nhưng do Trung tâm không thể triển khai kỹ thuật mổ được, nên phải chuyển bệnh nhân xuống tuyến tỉnh, nhưng với địa bàn cách trở như Tây Trà thì rất nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân”.


Chưa đồng bộ

Từ tháng 3 đến nay, Trung tâm được trang bị máy X-quang, nhưng vì không có bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, nên kỹ thuật này do y sĩ đảm nhận. Theo quy định của BHYT, trường hợp bệnh nhân có thẻ BHYT, nhưng không được bác sĩ chuyên khoa thực hiện kỹ thuật này, vì vậy người bệnh không được thanh toán BHYT. “Đa số người bệnh ở đây đều nghèo khó, nên việc bệnh nhân có thẻ BHYT tự trả chi phí chụp X-quang với số tiền 30 nghìn đồng/lần cũng rất khó khăn đối với các gia đình nghèo. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm chụp X-quang cho hơn 930 trường hợp, nhưng chỉ có 140 trường hợp thu phí được, còn lại đơn vị phải “gánh” chi phí này để kịp thời khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo”, bác sĩ Thương cho hay.

Điều khiến cho các bác sĩ ở đây “đau đầu” nữa là, hằng ngày có hàng chục ký rác thải y tế, nhưng chưa có lò đốt xử lý. Mỗi năm, lượng rác thải y tế ở đây đều được xử lý bằng cách chôn lấp và đốt thủ công. Bên cạnh đó, hệ thống tường rào cổng ngõ của đơn vị cũng chưa được xây dựng, nên gia súc, gia cầm thường xuyên vào khuôn viên bệnh viện, ảnh hưởng đến mỹ quan cũng như gây bất tiện cho công tác khám chữa bệnh.

Để tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho tuyến y tế miền núi, ngoài tăng cường đào tạo bác sĩ tại chỗ, ngành y tế cũng cần có cơ chế thu hút, luân chuyển bác sĩ chuyên khoa nhằm từng bước phát triển các khoa tại các trung tâm y tế miền núi. Có vậy mới hạn chế được tình trạng quá tải bệnh viện tuyến tỉnh, giảm nguy hiểm đến tính mạng cho người bệnh ở vùng khó khăn, khi chưa có kỹ thuật cao phải chuyển lên tuyến trên trong điều kiện đi lại cách trở.
         

Bài, ảnh: KN
 


.