Nỗi niềm chạy thận

09:11, 02/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để đem lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân chẳng may mắc bệnh suy thận cần lọc máu, ngành y tế đã tăng cường đầu tư nhiều máy chạy thận ở Bệnh viện Đa Khoa tỉnh và 3 bệnh viện tuyến huyện. Tuy nhiên, so với nhu cầu của người bệnh  thì số lượng máy chạy thận tại các cơ sở y tế và nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng.

TIN LIÊN QUAN

Bằng nguồn vốn xã hội hóa, Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm liên kết với Công ty Cổ phần thiết bị Y tế Quảng Ngãi đầu tư lắp đặt 10 máy chạy thận, bước đầu đem lại nhiều hy vọng cho người bệnh. Không ít bệnh nhân trước đây phải đi ra bệnh viện tuyến tỉnh, thậm chí là vào các bệnh viện khu vực phía nam để chạy thận, giờ đây, họ có thể chữa bệnh ngay tại quê nhà. Đối với những bệnh nhân nghèo thì đây quả là niềm vui lớn.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Anh Lê Văn Đạo, ở thôn Hòa Thịnh, xã Phổ Hòa (Đức Phổ) cho biết:  Mẹ anh đã già yếu, lại bị suy thận nặng và phải chạy thận từ năm 2010 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Với định kỳ chạy thận 3 lần/tuần nên anh và người thân phải đưa mẹ  đi lại nhiều lần, chi phí  rất tốn kém. “Nỗi lo của gia đình tôi giờ có thể thở phào, bởi không còn phải vất vả đi các bệnh viện tuyến trên nữa, việc đi lại, ăn ở, sinh hoạt và điều trị ở đây sẽ thuận lợi hơn”, anh Đạo chia sẻ.

Còn đối với bà Lâm Thị Thanh (60 tuổi), ở thôn 1, xã Nghĩa Dõng (TP. Quảng Ngãi), trước đây bà đăng ký nhiều lần, nhưng vì Bệnh viện Đa khoa tỉnh không đủ máy, bà Thanh phải lặn lội ra Bệnh viện tỉnh Quảng Nam để chạy thận. Khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh trang bị thêm nhiều máy mới, bà được yên tâm chữa trị tại đây, mà không phải đi lại tốn kém như trước. “Đã mang bệnh này thì gắn bó với máy chạy thận suốt đời, nên được Bệnh viện Đa khoa tỉnh tạo điều kiện tôi rất vui”.
 

Chúng tôi sẽ tăng cường kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để bổ sung máy chạy thận nhân tạo tại bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện huyện. Đồng thời tổ chức tập huấn, đào tạo y, bác sĩ để bổ sung nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chạy thận cho người bệnh”. Ông Nguyễn Tấn Hùng- Phó Giám đốc Sở Y tế.

Hiện toàn tỉnh có tổng cộng 50 máy chạy thận. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh (30 máy), Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm (10 máy) và Bệnh viện Đa khoa Dung Quất, Bệnh viện Đa khoa Tư Nghĩa, mỗi đơn vị 5 máy. Tuy nhiên, số lượng máy này hiện cũng chỉ đáp ứng cho khoảng gần 250 bệnh nhân chạy thận.

Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Minh Hiền- Phó Khoa Thận nhân tạo cho biết: Những năm gần đây, bệnh nhân suy thận mãn tính ngày càng xuất hiện nhiều, kéo theo nhu cầu chạy thận nhân tạo ngày càng lớn. Trong khi đó, khả năng đáp ứng của các cơ sở y tế có giới hạn. Đây là cái khó của người thầy thuốc và là nỗi lo của bệnh nhân. Trước đây, bệnh viện có 23 máy lọc thận, chúng tôi phải cho máy hoạt động hết công suất, tăng ca mới đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh. Mỗi trường hợp lọc thận 3 ca/tuần. Hiện Khoa đã có thêm 7 máy nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 160 bệnh nhân, trong khi danh sách người bệnh đăng ký lên đến gần 100 trường hợp. Cũng theo bác sĩ Hiền, tuy tăng thêm máy nhưng số người phục vụ không tăng. Khoa chỉ có 2 bác sĩ. Nếu tính theo đầu máy thì cần tới 4 bác sĩ mới đáp ứng công việc.

Ông Phạm Ngọc Lân- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho rằng: “Để giải quyết bài toán trên, bệnh viện tiếp tục bổ sung 10 điều dưỡng tại Khoa và sắp tới có kế hoạch mở liên Khoa nội thận và thận nhân tạo, bổ sung khoảng 4 bác sĩ để đáp ứng nhu cầu điều trị, giảm gánh nặng chi phí cho người dân.

Bài, ảnh: Kim Ngân




 


.