Cần hiểu đúng về bệnh tăng huyết áp

02:09, 17/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tăng huyết áp (THA) chiếm tỷ lệ cao trong các bệnh lý tim mạch, tần suất THA chiếm 8-18% dân số thế giới và chiếm 25,1% ở người >= 25 tuổi ở Việt Nam. THA là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các nước phát triển và đang phát triển. Để hiểu thêm về bệnh này, PV chuyên mục có cuộc trao đổi với bác sĩ Trịnh Quang Thân- Trưởng khoa Tim mạch lão khoa và cán bộ trung cao (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

-PV: Xin bác sĩ cho biết huyết áp và tăng huyết áp là gì? Đâu là nguyên nhân gây ra bệnh THA?

Bác sĩ Trịnh Quang Thân: Huyết áp là áp suất động mạch được tạo bởi sức đẩy của tim và sức ép của thành động mạch. Tim bơm máu càng nhiều và động mạch càng hẹp thì huyết áp càng tăng, gây ra các triệu chứng của bệnh THA. THA ở người lớn được chẩn đoán khi huyết áp tâm thu (HA tối đa) lớn hơn hoặc bằng 140mmHg, hoặc huyết áp tâm trương (HA tối thiểu) lớn hơn hoặc bằng 90mmHg.

THA có 2 nhóm, gồm: Nhóm có nguyên nhân thì gọi là THA triệu chứng hay THA thứ phát, nghĩa là huyết áp chỉ là 1 triệu chứng của 1 bệnh lý khác. THA có nguyên nhân chỉ chiếm 5-10% trường hợp THA, thường ở người trẻ. Nhóm không có nguyên nhân chiếm 90- 95% và gọi là bệnh THA, hay THA nguyên phát. Bệnh THA có tần suất tăng dần theo tuổi, không rõ nguyên nhân, chỉ có yếu tố thuận lợi hay còn gọi là yếu tố nguy cơ THA.

Yếu tố nguy cơ THA có 2 nhóm: Nhóm không thay đổi được, như người lớn tuổi (nam >55 tuổi, nữ> 65 tuổi), nam giới bị THA nhiều hơn nữ giới, người da đen bị THA nhiều hơn các chủng tộc khác, tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm ...  Nhóm có thể thay đổi được, như: Hút thuốc lá, uống nhiều rượu-bia, lối sống tĩnh tại, căng thẳng tâm lý, chế độ ăn mặn (nhiều muối), ít rau quả, thừa cân...

-PV: Xin bác sĩ cho biết dấu hiệu biến chứng của bệnh THA?

Bác sĩ Trịnh Quang Thân: THA nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn phế suốt đời, vì THA có rất nhiều biến chứng và biến chứng trên nhiều cơ quan. Cụ thể là: Biến chứng ở tim: Phì đại thất trái, suy tim (có thể bị suy tim trái cấp, phù phổi cấp), cơn đau thắt ngực-thiếu máu cơ tim, có thể nhồi máu cơ tim. Biến chứng ở não: Bệnh não do THA (sa sút trí tuệ), tai biến mạch não (đột quỵ) bao gồm cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, xuất huyết não hay nhồi  máu não. Biến chứng ở thận: Tiểu đạm (protein niệu), tăng creatinin máu, suy thận... Biến chứng ở mắt: Xuất huyết hoặc xuất tiết võng mạc, phù gai thị gây giảm thị lực, mù mắt...

-PV: Vậy làm thế nào để phòng bệnh THA?

Bác sĩ Trịnh Quang Thân: Để phòng ngừa THA và các biến chứng, chúng ta phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp như: Phối hợp truyền thông để nâng cao nhận thức, hiểu biết về THA cũng như các biến chứng của THA, các yếu tố nguy cơ tim mạch khác. Từ đó dựa vào các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được để tích cực tác động phòng ngừa giảm được huyết áp, giảm số thuốc cần dùng.

Cụ thể là: Có lối sống tích cực, năng động, tránh lo âu, căng thẳng, nghỉ ngơi điều độ; ăn hợp lý, đảm bảo đủ kali và vi lượng, chế độ ăn nhạt (< 6gam muối hay 1 thìa càphê mỗi ngày), chọn thực phẩm ít muối, hạn chế ăn mỡ động vật, nên chọn thực phẩm giàu vitamin như rau xanh, hoa quả… Tích cực giảm cân (nếu thừa cân) duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI): 18,5- 22,9 kg/m2. Hạn chế uống bia-rượu, ít hơn 3 cốc tiêu chuẩn/ngày/nam, ít hơn 2 cốc tiêu chuẩn/ngày/nữ.  Tổng cộng <14 cốc /tuần /nam, < 9 cốc/tuần/nữ (không uống gộp). Bỏ hoàn toàn thuốc lá-thuốc lào. Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp. Tập thể dục, đi bộ, vận động vừa phải 30- 60phút/ngày và 5 ngày/tuần. Tránh lạnh đột ngột, trước khi ra ngoài khi thời tiết lạnh phải khởi động làm ấm cơ thể, quàng khăn, mang tất, mặc áo lạnh... Cần theo dõi chỉ số huyết áp. Những người bình thường 1 năm đo huyết áp 1 lần, trên 40 tuổi 3- 6 tháng đi khám 1 lần, nếu có bệnh khám theo hẹn.

-PV: Điều trị THA tại nhà cần lưu ý những vấn đề gì thưa bác sĩ?

Bác sĩ Trịnh Quang Thân: Trước khi điều trị, người bệnh cần được khám chuyên khoa, kiểm tra cận lâm sàng tổng quát để tìm hiểu nguyên nhân THA hoặc các yếu tố nguy cơ cũng như những biến chứng của THA. Mỗi trường hợp THA cụ thể có thể khác nhau về thuốc huyết áp khi điều trị, nên tránh mượn hoặc dùng toa thuốc của người bệnh khác. Người bệnh tuyệt đối phải tuân thủ điều trị: Uống thuốc đúng liều, đúng giờ, không tự ý bỏ thuốc. Nếu có tác dụng phụ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để thay đổi thuốc, không được tự ý đổi thuốc.

 Điều trị tại nhà, ngoài dùng thuốc, phải đo huyết áp định kỳ, tái khám đúng hẹn và áp dụng 1 số giải pháp dự phòng như: Ăn lạt, giảm muối, giảm mỡ, kiểm soát trọng lượng, tập thể dục, tăng cường đi bộ, vận động. Trang bị máy đo huyết áp để tự đo huyết áp. Liên lạc với bác sĩ nếu huyết áp vượt lên con số quy định để bác sĩ tư vấn hoặc tái khám. Không tự ý dùng thuốc dân gian.

-PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

 

PV-K.Liên
(thực hiện)
 


.