Đề phòng hội chứng rối loạn tiền đình

01:07, 22/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hội chứng rối loạn tiền đình đang ngày càng phổ biến và tỷ lệ người mắc ngày càng có xu hướng gia tăng, thường gặp nhiều ở người lớn tuổi. Nguy hiểm hơn nếu rối loạn tiền đình xảy ra với những người có bệnh lý đi kèm, như thiếu máu não hoặc tăng huyết áp sẽ có nguy cơ đột quỵ dẫn đến tử vong.

Tiền đình là vùng nằm ở phía sau ốc tai hai bên, là một hệ thống có vai trò quan trọng trong duy trì thăng bằng, phối hợp cử động mắt, đầu và thân mình. Có hai loại rối loạn tiền đình là rối loạn tiền đình ngoại biên và rối loạn tiền đình trung ương, nhưng thường gặp nhất là rối loạn tiền đình ngoại biên. Nếu không phòng ngừa hoặc không điều trị, hội chứng này sẽ tái đi tái lại nhiều lần.

Đối với những người cao tuổi, chứng rối loạn tiền đình luôn đem lại nỗi lo lắng, bất an vì tuổi già, sức khỏe kém nên thường xuất hiện những triệu chứng nặng hơn. Bà Lê Thị Ngọc Biên (79 tuổi) ở TP. Quảng Ngãi đang điều trị tại Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh chia sẻ: “Tôi xuất hiện triệu chứng chóng mặt, cảm thấy mệt nhiều ngày trước. Nhưng cả gia đình đều nghĩ không sao, do tuổi già nên sức khỏe không tốt. Đến hôm nửa đêm ngủ thấy xây xẩm, mệt không thở được, không dậy được mà 2 bên tai cứ ù, nhập viện kiểm tra, bác sĩ bảo bị rối loạn tiền đình”.

Không nên coi thường những triệu chứng ban đầu của rối loạn tiền đình, vì nếu nhận biết sớm việc điều trị sẽ dễ dàng hơn. Cũng không thể khẳng định là người bệnh bị rối loạn tiền đình nếu chỉ có những triệu chứng: Hơi chóng mặt, mệt người, đau đầu. Điều này dễ gây nhầm lẫn với một số chứng bệnh khác như: Rối loạn tuần hoàn não hay thiểu năng tuần hoàn não. Khi bị rối loạn tiền đình người bệnh sẽ có những biển hiện đặc trưng như sau: Có hiện tượng xoay tròn, hoặc môi trường xung quanh xoay tròn theo mình. Có thể có hiện tượng mất thăng bằng, giảm thính lực, ù tai, điếc tai. Xuất hiện cảm giác buồn nôn và nôn. Một số biểu hiện khác như: Lo âu, hốt hoảng, mạch nhanh, da xanh tái. Bệnh nhân đứng dậy có thể bị ngã…

Rối loạn tiền đình có thể diễn biến trong vài ba ngày, rồi hồi phục dần nhưng cũng có thể kéo dài và để lại những di chứng, ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe. Nếu bị rối loạn tiền đình trung ương, người bệnh có thể bị ảnh hưởng trực tiếp lên não và sẽ dẫn đến các bệnh lý khác như thần kinh, tim mạch hoặc huyết áp thấp.  
 
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Cường - Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh, để phòng chứng rối loạn tiền đình mỗi người nên có ý thức chăm sóc sức khỏe bản thân: “Phải đảm bảo sức khỏe cho tốt. Phải ăn uống đầy đủ chất, ngủ nghỉ hợp lý. Khi cơ thể khỏe mạnh thì khả năng nhiễm bệnh giảm đi. Trong vấn đề sử dụng thuốc, một số loại thuốc gây nên rối loạn tiền đình, chúng ta nên thận trọng sử dụng. Ví dụ các thuốc: Streptomycin, gentamycin, lợi tiểu lasix hoặc các loại chất khác có trong rượu, ma túy cần phải bỏ. Nếu có bệnh về tai thì nên khám sớm để điều trị phòng ngừa. Khi hội chứng tiền đình xuất hiện thì nên đi khám ngay tại khoa thần kinh để có thể được tư vấn, hướng dẫn làm những xét nghiệm cần thiết.

  Rối loạn tiền đình là bệnh lý rất hay tái phát, ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống. Những người mắc hội chứng rối loạn tiền đình thì phải cẩn trọng trong tư thế sinh hoạt, như không nên quay đầu một cách đột ngột hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh; tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc có động cơ mạnh để tránh tiếng ồn; người bệnh cũng cần giảm căng thẳng, lo âu, tránh đọc sách báo khi ngồi ôtô; nên ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt để tránh bị ngã rất nguy hiểm. Với trường hợp phát hiện có triệu chứng, người bệnh cần đi khám tại chuyên khoa tai, mũi, họng và khoa thần kinh để phát hiện sớm nguy cơ và xử lý kịp thời.     
                
Bình Minh
 

.