Thầy thuốc của lòng dân

02:05, 03/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Họ là những thầy thuốc đã trải qua gian khổ chiến tranh, tận tình chăm sóc thương binh và nhân dân. Lý tưởng cách mạng cao đẹp đã đưa họ đến bên nhau và cùng nhau cống hiến cho cách mạng, cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đó là câu chuyện cảm động của vợ chồng bác sĩ Võ Văn Anh  (tổ 9, phường Trần Phú, TP. Quảng Ngãi).

Áo trắng trên chiến trường

Chưa đầy 20 tuổi, chàng thanh niên Võ Văn Anh (ở xã Đức Minh, huyện Mộ Đức) tham gia học lớp y tá tại địa phương để cứu chữa thương binh và nhân dân. Năm 1968, ông tiếp tục học lớp y sĩ cấp tốc để gia nhập vào đội ngũ cán bộ y tế phục vụ chiến trường. Từng công tác tại Ban Dân y tỉnh đóng tại huyện Trà Bồng, sau đó ông Anh được điều về làm Trưởng bệnh xá Sông Re. Hòa bình, ông Anh tham gia công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhiều năm giữ chức Chủ tịch công đoàn ngành cho đến tuổi về hưu. Ở bất cứ cương vị nào, ông cũng để lại hình ảnh một người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh.

  Vợ chồng bác sĩ Võ Văn Anh luôn nghiên cứu, tìm tòi những bài thuốc hay để  cứu chữa cho người bệnh.
Vợ chồng bác sĩ Võ Văn Anh luôn nghiên cứu, tìm tòi những bài thuốc hay để cứu chữa cho người bệnh.


 Ông Anh bùi ngùi kể, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cán bộ y tế vừa hoạt động chuyên môn, vừa tham gia công tác dân vận, binh vận hay đấu tranh chính trị. “Thời ấy khó khăn vô cùng. Làm gì có giường bệnh, bàn mổ và đầy đủ trang thiết bị. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, chúng tôi đều dốc hết sức mình cứu chữa người bệnh”, ông Anh bộc bạch. Những lần lẩn tránh làn đạn không ngớt của kẻ thù để bảo vệ, cấp cứu thương binh ở các trạm xá dã chiến là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời ông. Ông Anh bảo, có lúc tim người thầy thuốc đau nhói, bật khóc khi anh em bị thương quá nặng, điều kiện thuốc men không đầy đủ nên bất lực nhìn họ ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ.

Chiến tranh đã để lại trong cuộc đời ông Anh bao nỗi đau mất mát. Vợ ông hy sinh trong một đợt đấu tranh chính trị tại địa phương, để lại hai đứa con thơ. Giấu nỗi đau trong sâu thẳm trái tim, ông vẫn hết mình cống hiến cho cách mạng. Mãi về sau ông kết duyên với người đồng đội ở cùng đơn vị là chị Lê Thị Thanh Hòa. Năm 1973, đám cưới của họ được tổ chức đơn sơ với bó hoa dại bên rừng làm quà cưới, thế nhưng tình cảm thắm nồng. Họ đã cùng nhau đi khắp các chiến trường để cứu chữa thương binh.

Bà Lê Thị Thanh Hòa là người thầy thuốc ưu tú của tỉnh, đóng góp nhiều cho công tác y tế trong kháng chiến. Mười hai tuổi, từ vùng quê Phổ Minh (Đức Phổ) đầy ác liệt, bà theo gia đình tập kết ra Bắc. Năm 1968, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Y khoa Hà Nội, bác sĩ Hòa xung phong vào chiến trường miền Nam, phục vụ tại chiến trường Quảng Ngãi. Bác sĩ Hòa bảo rằng không thể diễn tả hết gian khổ, hiểm nguy của những tháng ngày băng qua mưa bom bão đạn. Nhưng khó khăn đến mấy cũng phải vượt qua để cứu chữa cho đồng chí, đồng đội. Bác sĩ Hòa kể, có lần đang trú chân tại một làng ở vùng giải phóng phía tây Sơn Tịnh thì gặp địch vây ráp. Nhờ sự đùm bọc của bà con nhân dân, bác sĩ Hòa cải trang thành một cô gái làng, nhập vào đám đông các chị, các mẹ đi làm đồng để thoát vây.

Sau giải phóng, bác sĩ Hòa làm Chủ nhiệm Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho đến lúc về hưu. 30 năm tuổi nghề, trong đó có gần 8 năm công tác ở chiến trường, bác sĩ Hòa luôn để lại hình ảnh người chiến sĩ áo trắng dũng cảm, tận tâm với nghề. Giờ đây, người thầy thuốc ưu tú ấy vẫn luôn trăn trở với công tác phát triển y học địa phương: “Hết lớp tới lớp, chúng tôi đã qua một thời gian khó. Lớp trẻ bây giờ có điều kiện học tập tốt hơn, giỏi hơn, song phải luôn coi trọng và đặt y đức lên hàng đầu để không phụ lòng mong mỏi của nhân dân”, bác sĩ Hòa nói.   

Không ngừng cứu giúp người bệnh

Dẫu đã cống hiến nhiều cho sự nghiệp y tế, giờ đã đến lúc được nghỉ ngơi, nhưng cái tâm hết lòng vì người bệnh đã thôi thúc vợ chồng bác sĩ Võ Văn Anh-Lê Thị Thanh Hòa tiếp tục tham gia các hoạt động từ thiện, cứu chữa người bệnh. Từ năm 1998, sau khi nghỉ hưu, bác sĩ Hòa về công tác tại Phòng khám từ thiện thuộc Hội Chữ thập đỏ TP.Quảng Ngãi. Hàng ngàn bệnh nhân nghèo được bác sĩ Hòa cùng với cán bộ y tế ở đây khám bệnh, cấp thuốc miễn phí. Phòng khám hoạt động nhờ sự tài trợ của một Việt kiều sống tại Canada. 17 năm là trưởng phòng khám, với phương pháp châm cứu, bấm huyệt kết hợp với Tây y hiện đại, bác sĩ Hòa đã xây dựng phòng khám trở thành địa chỉ tin cậy của bệnh nhân nghèo. Còn ông Võ Văn Anh, sau khi nghỉ hưu đã tích cực tham gia công tác tại Hội Đông y TP.Quảng Ngãi với cương vị chủ tịch Hội.

Giờ đây đã 76 tuổi, là thương binh 3/4,  hằng ngày ông Anh vẫn cần mẫn khám-chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo. Bệnh nhân được châm cứu miễn phí và được điều trị bằng thuốc nam nên giảm gánh nặng chi phí điều trị. Ông không ngừng tìm tòi, phát triển công tác khám-chữa bệnh bằng đông y.  Hội Đông y TP.Quảng Ngãi đã khám-chữa bệnh cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân nghèo ở khắp các địa phương trong tỉnh. Hằng năm Hội trực tiếp về các huyện miền núi khám bệnh, tặng quà cho người nghèo. Anh Lê Văn Thiện (ở xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành) cảm động nói: “Tôi thường xuyên đến hội đông y để được bác sĩ Anh khám bệnh. Bác sĩ Anh tuy tuổi cao nhưng nhiệt tình chăm sóc bệnh nhân, nhờ thế mà tôi đã khỏi bệnh”.

Ở tuổi xế chiều, vợ chồng bác sĩ Võ Văn Anh vẫn lấy công việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân làm niềm vui. Họ luôn đặt cái tâm của người thầy thuốc lên trên hết, không toan tính cá nhân. Bởi thế họ luôn là những người thầy thuốc của lòng dân.           


KIM NGÂN
 


.