Hy vọng mới cho bệnh nhân lao kháng thuốc

10:03, 25/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống lao, nhưng Việt Nam vẫn  là nước đứng thứ 12 trong 22 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất toàn cầu và đứng thứ 14 trong 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Tại tỉnh ta, cuối 2014, lần đầu tiên Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi được trang bị máy móc và áp dụng điều trị lao kháng thuốc đã mở ra hy vọng mới trong công tác phòng, chống lao hiện nay.

TIN LIÊN QUAN

Hy vọng mới trong điều trị

Lao kháng đa thuốc thường xảy ra trên bệnh nhân lao tái phát, là tình trạng vi khuẩn lao kháng lại với từ hai loại thuốc điều trị trở lên. Nguyên nhân chính là do người bệnh không tuân thủ theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc, uống thuốc không đúng giờ, không đủ liều và không theo đúng thời gian quy định, dẫn đến bệnh tái phát nhiều lần. Lúc này, công tác điều trị gặp rất nhiều khó khăn và phức tạp, bởi chủng loại thuốc đã thay đổi và thời gian điều trị kéo dài hơn, gấp nhiều lần so với điều trị lao thông thường mà tỷ lệ thành công không cao.

Bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh Phổi khám bệnh cho bệnh nhân lao.
Bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh Phổi khám bệnh cho bệnh nhân lao.


Theo báo cáo của Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh, năm 2014,  bệnh viện tiếp nhận 1.317  bệnh nhân lao, trong đó có 87 trường hợp tái phát, chiếm  6,6%. Theo các bác sỹ tại đây, năm nay tình hình bệnh nhân lao kháng thuốc gia tăng. Hiện bệnh viện quản lý và tiếp nhận 14 bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Bé- Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh cho biết: “Tỷ lệ bệnh nhân lao kháng đa thuốc đang ngày càng tăng. Những người khỏe mạnh không may bị lây từ bệnh nhân lao kháng đa thuốc có thể nhiễm lao kháng đa thuốc ngay từ ban đầu. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị và sức khỏe toàn xã hội”.

Điều trị lao đa kháng thuốc là cả một quá trình khó khăn và phức tạp. Do không có đầy đủ trang thiết bị chuyên môn cao và đội ngũ y tế không thể đáp ứng được việc điều trị này. Trước đây, bệnh nhân lao kháng đa thuốc của tỉnh Quảng Ngãi đều được chỉ định tới các bệnh viện Trung ương để điều trị. Mặc dù đã được Chương trình phòng chống lao quốc gia hỗ trợ kinh phí chữa bệnh, nhưng với khoảng cách về địa lý, chi phí đi lại cho việc tái khám nhiều lần khiến nhiều người bệnh bỏ cuộc. Tuy nhiên, cuối năm 2014, Chương trình phòng chống lao quốc gia đã chính thức công nhận Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh Quảng Ngãi là đơn vị y tế đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị lao kháng đa thuốc. Đây thực sự là một tin vui dành cho bệnh nhân lao của tỉnh.  

Hiện nay, Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh đã được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại, bao gồm máy xét nghiệm, nuôi cấy vi khuẩn lao. Đồng thời, bệnh viện cũng đã bố trí khu điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc. Điều này giúp người dân được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. “Việc triển khai chẩn đoán và điều trị lao đa kháng thuốc tại bệnh viện mang một ý nghĩa rất to lớn trong công tác phòng chống lao, đặc biệt là đối với nhân dân trong tỉnh”.

Còn nhiều khó khăn

Đối với công tác phòng chống lao, việc xác định rõ nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng là điều cực kỳ quan trọng trong việc quản lý và điều trị bệnh nhân. Tuy nhiên, trong những năm qua công tác phát hiện nguồn lây còn gặp rất nhiều khó khăn, bởi nhiều lý do khác nhau như: Sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế; xã hội vẫn còn kỳ thị với bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh lao thường giấu bệnh không đi khám. Nhận thức của các cấp các ngành còn xem nhẹ; một số cơ sở điều trị nhân viên y tế còn thiếu và yếu…

Bên cạnh đó, tổ chống lao của 14 huyện, thành phố có trình độ chuyên môn không đồng đều, kiêm nhiệm nhiều công việc khác. Một số xã ở miền núi giao thông đi lại khó khăn, nên việc phát hiện bệnh thường là muộn, điều trị khó khỏi và dễ bị kháng thuốc, đó là nguồn lây chính cho cộng đồng.  Một số phòng khám và xét nghiệm của Trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện phải mượn tạm, gây khó khăn cho hoạt động phòng, chống lao…

“Trong thời gian tới, chúng tôi kêu gọi các cấp chính quyền cần xem công tác phòng, chống lao là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; người dân chủ động phòng, chống lao vì sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội. Bệnh viện sẽ tăng cường phát hiện và xử lý bệnh lao, quan tâm khám phát hiện bệnh lao cho người nghèo và các đối tượng đặc biệt; huy động mọi nguồn lực củng cố và mở rộng chương trình phòng chống lao, nhất là ở tuyến cơ sở…”, bác sĩ Nguyễn Bé cho hay.
      

Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.