Lang y "dỏm" tràn lan

03:10, 19/10/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Hành nghề với kinh nghiệm tự có, nhiều thầy lang vẫn đang bốc các loại thuốc nam, bắc bán cho nhiều người. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, ở Quảng Ngãi có 1 người chết, 4 người nhập viện nghi do uống thuốc tự kê đơn của các thầy lang không có giấy phép hành nghề.
Thực tế cho thấy, việc tin và dùng thuốc nam, thuốc bắc của nhiều người dân đã là thói quen diễn ra bao lâu nay. Tuy nhiên, sử dụng không đúng cách các vị thuốc đã gây ra hiểm họa khôn lường, ảnh hưởng đến tính mạng của người sử dụng.
 
Mới đây nhất là trường hợp của bà Lê Thị Nghi (64 tuổi), ngụ phường Trần Hưng Đạo, TP.Quảng Ngãi tử vong sau khi uống thuốc nam trị bệnh khớp của một thầy lang. Theo người nhà của bà Nghi, vào ngày 6.10, bà đã đến nhà của ông Phạm Nên (63 tuổi), ngụ thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn bốc 9 thang thuốc nam để trị bệnh khớp.

 

Ngành chức năng kiểm tra cơ sở hành nghề y không có giấy phép của ông Phạm Nên
Ngành chức năng kiểm tra cơ sở hành nghề y không có giấy phép của ông Phạm Nên.
 
Sau khi uống các thang thuốc trên, bà Nghi có biểu hiện khó thở, chóng mặt. Vài ngày sau đó, bà Nghi bị nặng hơn và được gia đình đưa đi Đà Nẵng chữa trị. Tại đây, bà Nghi được các bác sĩ chẩn đoán bị suy gan trầm trọng. Đến ngày 11.10, bà Nghi tử vong.
 
Trước đó, ngày 17.9, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng cũng tiếp nhận và điều trị 2 trường hợp được chuyển từ Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi ra, sau khi dùng thuốc của thầy lang Đỗ Văn Vân. Đó là bệnh nhân Trần Thị Hải (50 tuổi, ngụ TP Quảng Ngãi) và Nguyễn Thị Hường (49 tuổi, ngụ TP. Quảng Ngãi).
 
Ngoài 2 bệnh nhân được chuyển ra Đà Nẵng này, 2 người khác cũng được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi sau khi dùng thuốc của thầy lang. Cả 4 người này sau khi dùng thuốc của thầy lang đều có dấu hiệu sốt cao, ăn uống kém, khó thở, chướng bụng, men gan tăng cao bất thường… Một số người, lục phủ ngũ tạng bị nhiễm những chất lạ, lọc máu của gan rất kém, da khắp người bị nổi mẩn đỏ…
 
Cả hai thầy lang Phạm Nên và Đỗ Văn Vân đều không được đào tạo qua trường lớp y học hay có chứng chỉ hành nghề. Chỉ dựa vào kinh nghiệm bản thân, mà hai thầy lang vườn này đã bốc thuốc, “chữa bệnh” cho nhiều người trong thời gian dài. Đặc biệt, tại cơ sở bốc thuốc của ông Vân (khiến 4 người nhập viện), dù chỉ là một giáo viên tại địa phương nhưng ông vẫn bốc thuốc, hành nghề giống như một thầy thuốc thực thụ và bán đủ các loại thuốc thang, cao dán…
 
Thậm chí, những kiến thức y học cơ bản về các loại thuốc, các thầy lang này cũng không biết. “Tôi sử dụng 9 loại thuốc để bán cho bà Nghi. Trước đó, tôi tự sắc uống thì thấy đỡ bệnh khớp nên mới bán cho nhiều người. Thực ra, tôi cũng không rõ lắm công dụng, dược tính của từng loại thuốc”- Ông Phạm Nên thừa nhận. Chính vì vậy, ông đã kê đơn thuốc trị khớp có cây mắt mèo (còn gọi là lùng bung)- một loại thảo dược không nằm trong danh mục thuốc cho phép của Bộ Y tế.

 

Cây mắt mèo không nằm trong danh mục thuốc cho phép của Bộ y tế nhưng vẫn được các thầy lang kê đơn cho người bệnh
Cây mắt mèo không nằm trong danh mục thuốc cho phép của Bộ Y tế nhưng vẫn được các thầy lang kê đơn cho người bệnh.
 
Ở Quảng Ngãi, không quá khó để tìm ra một cơ sở hành nghề y tại gia mà không có chứng chỉ hành nghề như cơ sở của thầy lang Phạm Nên và Đỗ Văn Vân. Phải thừa nhận rằng, các cơ sở này có thể tồn tại lâu dài được là do sự tin tưởng mù quáng của nhiều người dân với những lời đồn thổi.
 
“Có bệnh thì vái tứ phương. Tôi bị đau khớp đã hơn chục năm nay nhưng chữa hoài cũng không khỏi nên nghe ở đâu có thầy giỏi, thuốc hay là tìm đến thôi, chứ không quan tâm người ta có chứng chỉ hành nghề hay không”- Bà Nguyễn Thị Hường, một trong 4 người bị ngộ độc thuốc của ông Vân chia sẻ.
 
Ông Nguyễn Thái Sơn- Chánh Thanh tra Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết: Căn cứ vào Nghị định 176 của Chính phủ về quản lý hành nghề y dược, cơ sở của ông Phạm Nên và Đỗ Văn Vân đã vi phạm hành vi hoạt động không có chứng chỉ hành nghề. Do đó, chúng tôi đã xử phạt hành chính mỗi cơ sở 30 triệu đồng.
 
Trước tình trạng trên địa bàn Quảng Ngãi liên tiếp xảy ra những vụ chết người, nhập viện do dùng thuốc của thầy lang, Thanh tra Sở Y tế sẽ tham mưu lãnh Sở chỉ đạo ra quân kiểm tra, xử phạt các cơ sở hành nghề y tự phát.
 
“Nhiều loại thuốc đông y hiện nay được phát hiện chứa các hàm lượng độc tố như chì, thủy ngân rất cao, có khả năng gây hại cho người sử dụng. Trong khi đó, các “thầy lang vườn” hành nghề chui bốc thuốc theo cảm tính, không nắm bắt được các bệnh lý trước đó của các bệnh nhân. Bởi vậy nên khi sử dụng các loại thuốc này rất dễ xảy ra những vụ nhiễm độc hay sốc thuốc”- ông Sơn nói.
 
Các vị thuốc đông y với nhiều dược tính hữu ích đã giúp trị khỏi nhiều chứng bệnh cho người dân trong thời gian qua. Tuy nhiên, tại các cơ sở hành nghề không có chứng chỉ, việc sử dụng thuốc không đúng cách đã gây nguy hại đến tính mạng cho người bệnh. Do vậy, người dân cần đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được thăm khám và điều trị, tránh nghe theo những lời đồn thổi về phương pháp chữa bệnh không khoa học hoặc tìm đến những địa chỉ thiếu tin cậy, có thể rước họa vào thân.
 
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 

 


.