Phòng chống dịch cúm gia cầm A/H5N6: Không chỉ có tuyên truyền

02:09, 07/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau thời gian hoành hành, dịch cúm A/H5N1 tạm lắng thì mới đây, gia cầm lại bị phát hiện nhiễm loại vi rút cực độc cúm A/H5N6, trong khi Cục Thú y cũng chưa xác định được loại vắc xin phù hợp để phòng cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm…  

TIN LIÊN QUAN

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, hiện cả nước đã phát hiện ổ dịch cúm A/H5N6 trên vịt, gà và chim trĩ ở 3 tỉnh là Lào Cai, Hà Tĩnh, Lạng Sơn. Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT đã ban hành Công điện khẩn chỉ đạo Cục Thú y và các địa phương áp dụng những biện pháp tổng hợp, quyết liệt để xử lý ổ dịch, ngăn chặn việc lây lan; chủ động kiểm soát, tăng cường giám sát chặt việc vận chuyển gia cầm bất hợp pháp qua biên giới; triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn quốc trong tháng 9. Đồng thời giao Cục Thú y chủ động đánh giá, xác định loại vắc-xin phù hợp để phòng, chống dịch.

 “Cúm nào cũng như vậy thôi !”

Đó là khẳng định của những người buôn bán gia cầm tại chợ đầu mối Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi) cũng như hộ chăn nuôi. Họ bảo rằng, nghe ti-vi, đài báo nói nước ta đang xuất hiện cúm mới nhưng là loại gì thì chịu. Lý do, “H5N1 đã khiến chúng tôi mệt lắm rồi, hơi sức đâu mà nhớ mấy loại khác. Chỉ khi nào cán bộ thú y bảo tiêm phòng vắc-xin để ngừa bệnh này bệnh kia cho vịt thì tôi hay vậy thôi”, ông Nguyễn Nở, chủ đàn vịt đẻ 2.000 con ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) bộc bạch. Hẳn thế nên khi tôi đề cập đến chuyện vi rút cúm A/H5N6, ông Nở chỉ thoáng bất ngờ rồi hỏi “chắc loại này chưa đến tỉnh mình phải không cô. Vì nếu nó tới rồi, thế nào vịt nhà tôi cũng bị thú y đến bắt tiêm phòng”!

Gia cầm nuôi thả tự do rất dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Gia cầm nuôi thả tự do rất dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh.


Trong khi đó, tại chợ đầu mối gia cầm Nghĩa Dũng, dường như cả người bán lẫn người mua đều chưa hề hay biết gì về thông tin cũng như mức độ nguy hại của cúm A/H5N6. Điều đáng quan ngại hơn là hầu như gia cầm ở đây vẫn “trắng” giấy kiểm dịch lẫn thông tin nguồn gốc, xuất xứ. Hỏi thì người bán như bà Trần Thị Diện đon đả: “Dịch đã tới đây đâu mà lo. Gà, vịt này tôi mua của mấy chủ trong tỉnh nên không có gì phải ngại”; còn người mua như bà Nguyễn Thị Lệ Thúy ở Nghĩa Dõng (TP. Quảng Ngãi) thì “cũng có nghe loại cúm H5N6 gì đó nhưng chắc nó cũng như…H5N1 thôi. Mà hồi vịt, gà có H5N1, tôi mua nấu ăn hoài có bị sao đâu!”. Chẳng thế mà thời điểm này, việc mua bán ở đây vẫn diễn ra nhộn nhịp, tấp nập, nhất là trong dịp nghỉ lễ 2.9, nhu cầu tiêu thụ thịt gà, vịt tăng mạnh.
    
Không nên chủ quan


Sự trở lại của cúm A/H5N1, việc tồn tại của cúm A/H1N1, nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập và sự xuất hiện của chủng cúm mới A/H5N6 là đáng lo ngại. Bởi điều này cho thấy, vi rút cúm luôn biến đổi khó lường. Trong khi cơ thể người chưa có kháng thể chống lại những vi rút mới. Thế nên, để phòng chống dịch bệnh cúm từ các chủng vi rút-nhất là cúm A/H5N1 và A/H5N6, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các ngành, địa phương và người dân không được chủ quan, lơ là. Nghĩa là việc đề phòng và khống chế dịch cúm phụ thuộc rất lớn vào ý thức của hộ chăn nuôi lẫn người tiêu dùng.

Có điều lâu nay, biện pháp được xem là then chốt này vẫn chưa phát huy hết tác dụng khi mà một bộ phận lớn người dân vẫn xem dịch… là chuyện bình thường! Hẳn thế mà nhiều chủ hộ vẫn nuôi gia cầm theo kiểu thả… tự do, rồi việc phòng ngừa cũng chưa được chú trọng khi mà tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm (đợt 2) chỉ đạt 315.000 liều dù đã triển khai được hơn 2 tuần. Cá biệt có địa phương như Bình Sơn, việc tiêm phòng chỉ được thực hiện ở 10/19 xã (toàn huyện chỉ có 19/25 xã có nuôi gia cầm).

Trong khi cúm A/H5N6 đang ở diện “báo động đỏ” thì hiện giờ, dịch cúm A/H5N1 lại có nguy cơ tái bùng phát trở lại. Nhất là mới đây, Chi cục Thú y tỉnh đã phát hiện đàn vịt 1.500 con của hộ ông Phạm Ngọc Tỵ, ngụ thôn Long Mỹ, xã Bình Long (Bình Sơn) bị chết đến 854 con, số còn lại (646 con) phải tiêu hủy bắt buộc vì nhiễm vi rút cúm A/H5N1. Theo lý giải của chủ hộ Phạm Ngọc Tỵ thì đàn vịt này đã được 40 ngày tuổi và vừa được tiêm phòng vắc-xin vào ngày 31.7. Nhưng “có lẽ do thời tiết khó chịu, lại thêm tôi thả nó đi rông ra đồng “mót” lúa nên mới bị bệnh rồi chết nhanh như vậy đấy”, ông Tỵ nói buồn.

Rõ ràng, dịch cúm có khả năng bùng phát và lây lan trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào. Do đó cùng với công tác tuyên truyền, nếu ngành chức năng không có những biện pháp quyết liệt hơn trong việc kiểm tra, giám sát buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm thì việc bùng phát dịch là điều khó tránh khỏi.  

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.