Gia tăng tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên

09:09, 24/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng, nhất là ở khu vực miền núi và ven biển. Đây là điều đáng lo ngại, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị các cấp.

TIN LIÊN QUAN

Trăn trở trước “bài toán” nhận thức

Theo số liệu thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 8.800 trẻ em được sinh ra, trong đó có 1.055 trẻ là con thứ 3 trở lên (chiếm 12%), tăng so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao như: Tây Trà (16%); Trà Bồng (17%); Đức Phổ (16%); Lý Sơn (13%)…

Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Tây Trà tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Tây Trà tăng so với cùng kỳ năm trước.


Bà Nguyễn Thị Phương Thảo-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đức Phổ cho biết, huyện có 6/15 xã, thị trấn thuộc vùng ven biển, nên công tác tuyên truyền thực hiện chính sách DS-KHHGĐ ở các xã này gặp nhiều khó khăn, người dân muốn sinh đông con để có lao động đi biển. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở xã Phổ Châu chiếm đến 30,7%; Phổ Thạnh 24%... Ngoài ra, ở các xã như Phổ Phong, Phổ Nhơn cũng có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng cao.  “Trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, nếu không phải là đảng viên thì không áp dụng hình thức xử lý nào, chỉ dừng lại ở vận động, tuyên truyền là chính. Do đó việc tuyên truyền thực hiện nghiêm chính sách về DS-KHHGĐ cũng gặp khó”, bà Thảo trăn trở.

Lý giải tâm lý của người dân khi quyết định sinh con thứ 3 trở lên, Phó Giám đốc Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nguyễn Văn Quang cho rằng: Khi đời sống nâng cao, kinh tế phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm thì nhu cầu của người dân muốn có thêm con để dự phòng rủi ro  càng nhiều. Cũng theo ông Quang, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, muốn có con trai để nối dõi còn khá nặng nề ở nhiều gia đình. Cùng với đó, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác DS-KHHGĐ.  Công tác kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên.

Đối với gia đình khó khăn, việc sinh con thứ ba trở lên sẽ là gánh nặng thêm cho đời sống kinh tế, trẻ ít được quan tâm để phát triển toàn diện. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất học, tỷ lệ đói nghèo gia tăng. Đối với gia đình khá giả, việc sinh nhiều con tuy không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế gia đình, nhưng làm tăng gánh nặng cho xã hội.

Cần tăng cường các giải pháp

Trước thực tế tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng gia tăng ở các địa phương, các cấp, các ngành cần có sự vào cuộc mạnh mẽ. Biện pháp ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả về bề rộng lẫn chiều sâu, để nâng cao nhận thức của người dân. Cộng tác viên tại địa bàn quản lý cần thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa của việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, nhất là ở những vùng có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao.

Nói về giải pháp để hạn chế sinh con thứ 3 trở lên tại địa phương, ông Đỗ Minh Lâm-Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho biết: “Trước mắt, huyện ưu tiên dành nguồn kinh phí từ Chương trình 30a để tăng cường hoạt động dân số. Về lâu dài, hệ thống chính trị các cấp phải vào cuộc mạnh mẽ để nâng cao nhận thức cho người dân vùng sâu, vùng xa”.

Để tăng cường tổ chức các hoạt động dân số đòi hỏi phải có nguồn kinh phí. Không phải địa phương nào cũng có nguồn kinh phí từ Chương trình 30a để hỗ trợ cho hoạt động dân số như ở huyện Tây Trà. Ông Nguyễn Văn Quang cho biết, năm 2014 kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia bị cắt giảm đã phần nào ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền. Sự nhiệt tình của đội ngũ cộng tác viên dân số có phần giảm sút.

Trong thời gian tới, chính quyền các địa phương cần tăng cường quan tâm, hỗ trợ kinh phí để nâng cao hiệu quả công tác dân số, hạn chế tình trạng sinh con thứ 3 trở lên. Mặt khác, tỉnh cũng cần sớm tuyển dụng cán bộ chuyên trách dân số vào biên chế để họ yên tâm công tác.
  

Bài, ảnh: KN
 


.