Cả đời tận tụy với người bệnh

09:07, 16/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gắn bó với công tác cứu người gần 40 năm qua, y sĩ Nguyễn Ngọc Chi (59 tuổi, công tác tại Trạm Y tế xã Trà Phú, huyện Trà Bồng) đã để lại trong lòng đồng bào Cor tình cảm sâu đậm. Ông được ví như người mẹ hiền, hết lòng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 Những ngày gian khó

Tìm gặp y sĩ Nguyễn Ngọc Chi tại Trạm y tế xã Trà Phú, chúng tôi chứng kiến hình ảnh ông tất bật chăm lo cho người bệnh. Những đứa trẻ bị cảm sốt, đau bụng được ông dỗ dành cho uống thuốc. Sau đó, ông vội sang khu vực khám bệnh, phụ bác sĩ đo huyết áp, tiêm thuốc cho bệnh nhân, rồi truyền  nước cho bệnh nhân sốt siêu vi.... Cứ thế, ông luôn tay với công việc. Phải đợi rất lâu, chúng tôi mới được trò chuyện cùng ông. Ông Chi cười bảo: “Gắn bó với cái xi-ranh, nhiệt kế từ hồi mới 20 tuổi đến giờ. Gian khổ, thiếu thốn gì trải qua đủ cả.

 

Y sĩ Chi đang đo huyết áp cho bệnh nhân.
Y sĩ Chi đang đo huyết áp cho bệnh nhân.


Giờ trạm y tế được khang trang, bệnh nhân được chăm sóc sức khỏe chu đáo, tôi thấy mừng nên làm không biết mệt". Ông Chi vui cũng phải, mỗi ngày Trạm y tế xã Trà Phú thăm khám cho hàng chục bệnh nhân. Điều này cho thấy đồng bào dân tộc Cor đã dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu, đến trạm y tế khi mắc bệnh.

Là người dân địa phương, ông Chi xót lòng khi chứng kiến cảnh người dân chết dần chết mòn trước căn bệnh sốt xuất huyết, tả lị... nhưng "thiếu vắng" bàn tay chăm sóc của cán bộ y tế. Ngày trước, mỗi khi đau ốm, nhiều người dân chỉ nghĩ đến việc tìm thầy cúng. Cũng từ đây ông Chi nuôi ước nguyện trở thành cán bộ y tế để chăm sóc sức khỏe cho người dân quê mình.  Ông đăng ký học lớp y tá ngắn hạn do huyện tổ chức. Sau đó, ông về công tác tại Bệnh viện huyện đóng ở xã Trà Phong. Để nâng cao chuyên môn, ông quyết tâm, theo học lớp y sĩ ở Trường Trung học Y tế Nghĩa Bình. Sau khi học xong, ông lặn lội đến các địa bàn xa xôi khám chữa bệnh, vận động bà con từ bỏ hủ tục lạc hậu, có hại cho sức khỏe.

Năm 1989, khi mới tái lập tỉnh, ông được phân công về công tác tại Trạm Y tế xã Trà Phú. Lúc này, trạm xá do dân lập nên chỉ là nhà vách đất, giường bệnh chỉ là mấy cái chõng tre và chỉ có vài dụng cụ y tế thông thường và các loại thuốc thông dụng trị cảm, hạ sốt, sốt rét, đau bụng. "Vất vả ngày ấy không kể xiết. Giờ chỉ biết nói là yêu nghề lắm nên mới bám trụ được đến ngày nay”, ông Chi bộc bạch.

Còn sức là còn cống hiến

Trước đây, trạm y tế chưa có bác sĩ nên những y sĩ phải kiêm nhiệm các công việc từ điều dưỡng đến hộ sinh... Giờ trạm y tế đã có bác sĩ và được xây dựng khang trang khiến ông Chi vui mừng.

Suy nghĩ phải hết lòng vì người bệnh như thể dòng máu chảy xuyên suốt trong con người ông. Dù tuổi đã cao, nhưng ông Chi vẫn cứ quần quật với công việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hằng tháng, ông đều đặn xuống các thôn thực hiện các chiến dịch chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, tuyên truyền phòng chống suy dinh dưỡng, tư vấn sức khỏe cho phụ nữ có thai và thực hiện các đợt tiêm chủng, cho trẻ uống vitamin A…

Tận tụy, hết lòng vì người bệnh, nên ông luôn được bà con đồng bào Cor tin yêu. Bà Hồ Thị Nhi (62 tuổi, ở thôn Phú Tài, xã Trà Phú) phấn khởi nói: “Y sĩ Chi nhiệt tình với bà con lắm. Lúc bà con đau ốm, không kể đêm hôm, mưa gió, hễ cần gọi là ông chạy đến giúp đỡ. Ông tốt bụng lắm”.

 Chính lòng yêu nghề, tinh thần tận tụy vì sức khỏe nhân dân của bác sĩ Chi đã truyền đam mê cho các con của ông. Con gái, con trai và con dâu của ông Chi đều là những cán bộ y tế nhiệt tình, năng nổ tại các cơ sở y tế của huyện Trà Bồng. Bác sĩ Trần Trọng Ngọc - Trưởng Trạm Y tế xã Trà Phú, nhận xét: “Rất hiếm để tìm được y sĩ nhiệt tình, tâm huyết, kinh nghiệm như bác Chi. Bác Chi là thủ lĩnh về tinh thần của anh em cán bộ ở trạm".   

Bài, ảnh: KN
 


.