Không chủ quan với dịch bệnh tay chân miệng

08:04, 16/04/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Thời điểm này là giai đoạn bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh mẽ. Nhưng khác hẳn với mọi năm, số lượng bệnh nhi nhập viện vì tay chân miệng năm nay khá ít.

TIN LIÊN QUAN

Nếu như năm trước, Khoa nhi- Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi phải giành hẳn một khu vực tách biệt cho bệnh nhi nhập viện điều trị tay chân miệng với khoảng hơn 50 giường, thì hiện Khoa chỉ giành 5 phòng với khoảng 20 giường cho khu vực này. Theo các bác sĩ, điều này không có nghĩa là bệnh nhân mắc tay chân miệng giảm đi.
 
Theo chu kỳ phát triển của bệnh, tháng 4-5 là thời gian bùng phát. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhi chỉ ở khoảng 15-20 người/khoa nằm điều trị nội trú, giảm 3-4 lần so với mọi năm. Bác sĩ Trương Thị Thanh- Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho hay: Các bệnh nhi mắc tay chân miệng không hề giảm so với năm trước. Nhưng thường mắc chỉ ở mức độ 1 (mức độ nhẹ nhất) nên phụ huynh chỉ điều trị cho các cháu tại nhà.

 

Số lượng bệnh nhi nhập viện vì tay chân miệng không nhiều như những năm trước
Số lượng bệnh nhi nhập viện vì tay chân miệng không nhiều như những năm trước.
 
“Nếu nhập viện thì các cháu đã bị nặng từ mức độ 2A trở lên. Nhưng chỉ qua vài ngày theo dõi thì chúng tôi cũng cho xuất viện. Vì chủ yếu là phụ thuộc vào phụ huynh trong cách chăm sóc, theo dõi trẻ thì bệnh sẽ thuyên giảm sau vài ngày”- Bác sĩ Thanh nói thêm.
 
Sau nhiều năm xuất hiện theo chu kỳ, bệnh tay chân miệng đã không còn lạ với những gia đình có con nhỏ dưới 5 tuổi. Do đó, trường hợp để bệnh nặng mới đưa đi điều trị tại Bệnh viện rất ít. Chị Nguyễn Thị Sang ngụ xã Nghĩa Thương, Tư Nghĩa có con nhỏ 3 tuổi, nhưng cháu đã mắc tay chân miệng đến 3 lần. Hiện do con chị bị cùng lúc bệnh viêm phế quản nên chị quyết định cho cháu nhập viện.
 
Chị Sang chia sẻ: Bệnh tay chân miệng chủ yếu lây qua đường tiếp xúc. Con nhà tôi được gửi đi nhà trẻ, tiếp xúc với nhiều trẻ khác nên cứ đến mùa dịch là bị. Nếu bị nhẹ thì tôi chỉ cho đi khám tư rồi ở nhà. Nhưng đằng này do cháu bị 2, 3 bệnh một lúc nên tôi đưa cháu nhập viện vì sợ xảy ra biến chứng.
 
Cũng như chị Sang, anh Trương Ngọc Trình ngụ phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi cho biết: Bệnh tay chân miệng đã không còn xa lạ với gia đình có 2 đứa con nhỏ của tôi. Mỗi khi thấy chúng sốt, hay giật mình, người xuất hiện các nốt nhỏ… thì biết ngay là bị tay chân miệng. Để chính xác thì tôi vẫn cho cháu đi khám  rồi lấy thuốc về điều trị tại nhà, chứ không nhập viện nữa.

 

Đối với trẻ dưới 5 tuổi, cần giữ gìn vệ sinh và không được chủ quan với bệnh tay chân miệng
Đối với trẻ dưới 5 tuổi, cần giữ gìn vệ sinh và không được chủ quan với bệnh tay chân miệng.
 
Nhiều phụ huynh khác cũng đã có kiến thức cơ bản về cách phòng chống bệnh và những biểu hiện của bệnh tay chân miệng. Đây cũng là lý do vào thời gian cao điểm của mùa dịch nhưng số lượng bệnh nhi nhập viện không nhiều.
 
Tuy nhiên, tình trạng trên cũng gây ra nhiều nỗi lo. Bác sĩ Nguyễn Tấn Phụ- Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho biết: Khi phụ huynh nắm vững kiến thức về bệnh thì trẻ nhập viện ít đồng nghĩa với bệnh trạng không nặng. Nhưng cũng tiềm ẩn vấn đề nhiều phụ huynh chủ quan, không biết con mình bị bệnh nặng để đưa tới viện. Đến khi bệnh xảy ra biến chứng thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhi.
 
Theo khuyến cáo của bác sĩ, bệnh tay chân miệng rất dễ lây, nhất là trong môi trường tập trung nhiều trẻ như ở các trường mẫu giáo. Để phòng bệnh, phụ huynh và nhà trường cần phối hợp giữ gìn vệ sinh thân thể, môi trường, thường xuyên rửa tay chân sạch sẽ cho trẻ. Khi phát hiện bệnh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để biết và điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng…
 
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.