Quả na làm thuốc chữa tiêu chảy

12:03, 14/03/2014
.

Cây na còn gọi là phan lệ chi, sa lê, mác kiếp hay mãng cầu (cách gọi riêng của các tỉnh phía Nam), tên khoa học Annona Squamosa thuộc họ Annonaceae. Na là loại quả nhiều dinh dưỡng, giàu dược tính nên trong Đông y còn sử dụng làm thuốc trị nhiều chứng bệnh khác nhau.

 

Quả na
Quả na


Theo Đông y, quả na có vị ngọt, tính ấm, hạ khí tiêu viêm. Quả na xanh có tác dụng làm săn da, tiêu sưng, chữa mụn nhọt, viêm vú. Hạt na có vị đắng, hôi, tính lạnh, có độc, thanh can, tác dụng giải nhiệt tiêu độc, sát khuẩn, diệt côn trùng, chấy rận. Quả na điếc là quả na đang lớn, hỏng, tự khô, cứng rắn, có màu nâu đỏ tím, là một vị thuốc dùng theo kinh nghiệm dân gian.

Chữa sốt rét: Quả na điếc 40g, giun đất 80g, phèn phi 20g, quả na điếc đập vỡ vụn, tẩm rượu, sao vàng. Giun đất lộn trái, rửa sạch, tẩy bằng rượu, phơi khô, sao vàng. Hai thứ trộn với phèn phi, tán bột mịn và luyện với nước tỏi làm viên bằng hạt đỗ xanh. Người lớn ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 viên. Dùng liên tiếp 10 ngày.

Chữa nhọt ở vú, áp-xe, quai bị: Quả na điếc 10-30g, phơi thật khô, tán thành bột rồi hòa với giấm, bôi nhiều lần trong ngày. Có thể phối hợp với hương phụ 20g.

Chữa tiêu chảy, kiết lỵ: Quả na điếc 20g đốt tồn tính, cỏ lào ngọn non 50g, gạo tẻ (rang thật vàng) 30g. Tất cả sắc với 400ml nước còn 100ml, chia uống 3 lần trong ngày.

Chữa ho, viêm họng: Quả na điếc 50g, rễ xạ can 30g, nhân hạt gấc 20g, cam thảo dây 25g, lá bạc hà 50g, lá chanh 25g, lá táo 25g, sinh địa 50g. Tất cả phơi khô (riêng quả na điếc đốt tồn tính), giã nhỏ, tán bột, trộn với 150g đường kính đã nấu thành sirô để làm viên, mỗi viên 0,5g. Ngày uống 6-8 viên chia 2 lần. Trẻ em tùy tuổi dùng 3-6 viên một ngày. Dùng 3-5 ngày.

Thuốc diệt chấy: Hạt na 50g, rượu 50ml, hạt na giã nhỏ, ngâm trong rượu 6 tiếng đồng hồ, sau đó lấy vải sạch thấm rượu bôi lên tóc, giữ cho tóc ướt trong 2 tiếng (không để vào mắt vì có độc!).         
 

Theo BS. Hoàng Thuần/SK&ĐS


 


.