Người dân Ba Điền vẫn ăn gạo mốc

03:03, 24/03/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Sau một thời gian vắng bóng, Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đã có dấu hiệu trở lại ở vùng cao Ba Điền (Ba Tơ). Bệnh xuất hiện trùng với thời gian bùng phát của những năm trước. Trong khi đó, nhiều hộ dân địa phương đã quay lại ăn gạo mốc.
Vẫn là do gạo mốc?
 
Sau khi anh Phạm Văn Trói đi điều trị tại Trung tâm y tế huyện Ba Tơ vì mắc Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, ngôi nhà nằm trên sườn núi cao của anh Trói trở nên vắng lặng. Chị Phạm Thị Nga vợ anh Trói lo lắng sẽ còn nhiều người khác trong nhà bị bệnh.

 

Bệnh nhân Trói đang được điều trị tại Trung tâm y tế huyện Ba Tơ
Bệnh nhân Trói đang được điều trị tại Trung tâm y tế huyện Ba Tơ
 
Chị Nga nói: Chính quyền rồi cán bộ y tế đều dặn là không ăn gạo ủ nữa. Nhưng cách đây ba tháng, khi gạo trắng nhà nước cấp hết sạch thì gia đình vẫn phải ăn lại gạo cũ của mùa lúa năm trước. Dù có nhiều hạt mốc, nhưng vẫn ăn thôi.

Đến khi anh Trói có dấu hiệu tổn thương da ở bàn tay, bàn chân, uống rễ cây rồi cúng bái hoài vẫn không khỏi và bệnh ngày càng nặng, gia đình mới đưa anh đi khám bệnh. Lúc này, khi đã điều trị được vài ngày nhưng men gan anh Trói vẫn còn tăng thì anh mới vỡ lẽ: “Ăn gạo trắng hoài không sao, nhưng ăn lại gạo cũ thì bị bệnh lại. Sau khi gặt lúa, thì tôi phơi rồi mới bỏ vào bao cất. Nhưng chắc để lâu quá nên gạo bị ẩm rồi mốc luôn. Tôi đã dặn vợ bán hết gạo mốc còn lại trong nhà đi rồi”.

Không riêng gia đình anh Trói, nhiều hộ dân lân cận đã quay lại thói quen ăn gạo cũ bị mốc được lưu lại từ những mùa vụ trước. Gia đình chị Phạm Thị Thanh sau khi gặt xong vụ hè thu cũng đã cho lúa vào bao và chất đầy ngoài nhà sàn. Do không được cất giữ cẩn thận nên nhiều hạt gạo bị mốc dù đã được phơi. Chị Thanh chỉ về phía 2 bao lúa bị ẩm nói: Đây là 2 bao lúa cũ nhất, đợi ăn hết gạo rồi sẽ ăn tới 2 bao này. Những bao còn lại đều mới nên ăn sau.
 
Sau khi được tuyên truyền để phòng chống Hội chứng viêm da dày sừng, bà con Ba Điền đã thay đổi nhiều trong vệ sinh môi trường, thói quen sinh hoạt. Chuồng trại, nhà cửa đều được dọn sạch sẽ hơn xưa. Đặc biệt, từ khi được nhà nước cấp gạo trắng, người dân địa phương đã từ bỏ hẳn thói quen ăn gạo mốc. Tuy nhiên, 3 tháng trở lại đây, khi hết gạo trắng, nhiều hộ dân đã quay trở lại ăn gạo cũ không được phơi và bảo quản cẩn thận nên phần lớn bị mốc.
Người dân Ba Điền đã quay trở lại ăn gạo mốc
Người dân Ba Điền đã quay trở lại ăn gạo mốc
 
 
Ông Phạm Văn Bút- Chủ tịch UBND xã Ba Điền băn khoăn: Thói quen sinh hoạt của bà con đã thay đổi nhiều. Nhưng bệnh vẫn trở lại. Đúng thời điểm này của 2 năm trước thì bệnh đang bùng phát. Năm nay bệnh cũng xuất hiện lại. Chúng tôi rất băn khoăn không biết là do nấm mốc trong gạo hay yếu tố nào khác.
 
Kiên quyết vận động người dân từ bỏ gạo mốc
 
Sáng 24.3, đoàn công tác của Bệnh viện phong da liễu Trung ương Quy Hòa (Quy Nhơn) và Sở Y tế Quảng Ngãi đã đến Ba Điền để khảo sát và khám cho một số hộ dân có người từng mắc bệnh ở thôn Làng Rêu. Đoàn công tác đã yêu cầu người dân ngừng sử dụng gạo mốc- thực phẩm chứa độc tố Aflatoxin.
 
Bác sĩ Nguyễn Khánh Hòa- Trưởng phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện phong da liễu Trung ương Quy Hòa cho hay: Đến hiện tại, chúng tôi vẫn chưa thể kết luận chính xác Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân là do độc tố Aflatoxin có trong gạo mốc. Tuy nhiên, độc tố này nếu ngấm vào cơ thể trong thời gian dài sẽ có nguy cơ làm tổn thương nội tạng, điển hình là gan. Trong khi đó, các bệnh nhân mắc Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đều có triệu chứng suy gan. Do vậy, cần hạn chế nạp độc tố này vào người.

 

Đoàn công tác của Bệnh viện phong da liễu Trung ương Quy Hòa khám cho người dân Ba Điền
Đoàn công tác của Bệnh viện phong da liễu Trung ương Quy Hòa khám cho người dân Ba Điền
 
Sau khi khám lâm sàng các bệnh nhân từng mắc bệnh, đoàn công tác không phát hiện trường hợp nào tái phát, tái nhiễm. Tuy nhiên, các mẫu máu được lấy từ người dân thôn Làng Rêu sẽ được tiếp tục xét nghiệm để có kết luận cuối cùng.
 
Trước mắt, chính quyền địa phương và ngành y tế đang tăng cường tuyên truyền vận động người dân bình tĩnh đối phó với bệnh. Ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Y tế cho biết: Chúng tôi đã cử cán bộ đi tuyên truyền, vận động người dân kiên quyết nói không với gạo mốc. Đồng thời triển khai các nhóm giải pháp về vệ sinh môi trường, thay đổi sinh hoạt ăn uống hợp vệ sinh…
 
Người dân xã Ba Điền được khuyến cáo khi phát hiện có dấu hiệu dày sừng, tổn thương lòng bàn tay, bàn chân thì không được tự ý chữa bằng những loại thuốc không rõ nguồn gốc hay cúng bái, mà phải đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế. Trường hợp phát bệnh nặng của anh Phạm Văn Trói và ví dụ điển hình khi không nhờ đến các cơ sở y tế ngay khi phát bệnh.
 
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.