Lao động sáng tạo vì cuộc sống cộng đồng

09:03, 19/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kịp thời khai thông đường thở, giúp bệnh nhân vượt qua được những giây phút nguy kịch, giành lại sự sống cho nhiều người - đây là “Giải pháp nhận biết một số dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng để tiên lượng bệnh nhân tắc nghẽn mạn tính” do bác sĩ Nguyễn Thái Hưng và cộng sự nghiên cứu, ứng dụng.

Bác sĩ Nguyễn Thái Hưng- Phó khoa Hồi sức tích cực- Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh hô hấp, bệnh nhân bị tắc dòng khí thở ra thường xuyên, không hồi phục hoàn toàn và tiến triển từ từ. Khi xuất hiện đợt tắc nghẽn phổi cấp, bệnh nhân thường phải nhập viện, diễn biến của bệnh rất khó lường. Nếu thầy thuốc không có tiên lượng đúng, không theo dõi và xử trí kịp thời, bệnh nhân sẽ suy hô hấp nặng dần và tử vong. Với mỗi đợt phổi tắc nghẽn cấp, vấn đề điều trị rất công phu và tốn kém, là gánh nặng tài chính, nhân lực cho gia đình và xã hội. Trên thế giới, hằng năm có trên 600 triệu người mắc, trong đó có trên 3 triệu người tử vong, đứng hàng thứ 4 trong các loại bệnh tật.

 

Bác sĩ Nguyễn Thái Hưng chăm sóc bệnh nhân tại Khoa hồi sức tích cực- chống độc.
Bác sĩ Nguyễn Thái Hưng chăm sóc bệnh nhân tại Khoa hồi sức tích cực- chống độc.


Ở Việt Nam, trong 10 năm gần đây, bệnh phổi mạn tính ngày càng gia tăng. Năm 2010, chương trình phòng và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã được Bộ Y tế đưa vào chương trình mục tiêu Quốc gia. Tại Quảng Ngãi, từ trước đến nay chưa có đề tài nào nghiên cứu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, về các yếu tố tiên lượng của bệnh. Đây là đề tài đầu tiên của ngành Y tế Quảng Ngãi đã mạnh dạn nghiên cứu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Bác sĩ Hưng nói: Trước đây chúng tôi vận dụng các kết quả nghiên cứu của nước ngoài để điều trị bệnh. Gần đây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mang tính thời sự vì số người mắc mới và tỷ lệ tử vong tăng cao. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do khói thuốc lá. Mỗi khi có đợt cấp, bệnh nhân phải vào nằm viện dài ngày, điều trị rất công phu và tốn kém, tỷ lệ tử vong rất cao. Khi biết được các yếu tố tiên lượng, chúng tôi sẽ theo dõi bệnh nhân, tiên lượng đúng, xử trí kịp thời, hợp lý nhằm làm giảm các diễn biến nguy kịch, giảm thời gian điều trị, giảm tỷ lệ tử vong. Trong dấu hiệu bệnh nhân, chúng tôi thấy có 72 dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng, phân tích đơn biến tìm ra 18 dấu hiệu có liên quan đến yếu tố tiên lượng tử vong; phân tích đa biến, chúng tôi tìm ra 5 yếu tố tiên lượng tử vong ở bệnh nhân...

 Cái mới của giải pháp là đã xác định được 18 dấu hiệu liên quan với tỷ lệ tử vong, 5 dấu hiệu tiên lượng tử vong của bệnh nhân. Từ việc xác định này, các bác sĩ điều trị đã sử dụng “Đường cong ROC” để xác định ngưỡng giá trị cụ thể có ý nghĩa tiên lượng các dấu hiệu tiên lượng tử vong của bệnh nhân tắc nghẽn phổi đợt cấp và đưa ra hướng xử trí kịp thời. Khả năng áp dụng rộng rãi của giải pháp là căn cứ vào 72 dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân tắc nghẽn phổi mạn tính, thầy thuốc phát hiện được các dấu hiệu đặc trưng, cần thiết để chẩn đoán đúng đợt tắc nghẽn phổi. Đồng thời căn cứ vào 5 dấu hiệu tiên lượng tử vong, thầy thuốc có khả năng tiên lượng đúng, có thái độ xử trí kịp thời và hợp lý, hạn chế được nguy cơ tử vong của bệnh nhân.

Sau khi áp dụng cho kết quả khả quan, giải pháp được Hội đồng khoa học ngành y tế tỉnh nghiệm thu và đánh giá xuất sắc và đạt giải kỳ thi sáng tạo kỹ thuật Quảng Ngãi. Sau khi báo cáo tại hội nghị khoa học mở rộng, đề tài được ứng dụng rộng rãi tại Phòng Cấp cứu, Khoa nội, Khoa Nội tim mạch-lão khoa và cán bộ trung cao Bệnh viện đa khoa tỉnh, các khoa, phòng cấp cứu bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Nhờ các yếu tố tiên lượng, các bệnh nhân ở các khoa nhẹ sau khi làm xét nghiệm máu động mạch và theo dõi các dấu hiệu tri giác thầy thuốc sẽ đánh giá bệnh nhân có trở nặng và diễn biến xấu hay không để chú ý theo dõi, xử lý hoặc chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu kịp thời. Vì bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính diễn biến nhanh, nếu sơ ý bệnh nhân sẽ suy hô hấp, ngừng tuần hoàn và tử vong không cấp cứu kịp.

 

Bài, ảnh: QUANG TUYẾN

 


.