Phòng bệnh sau lũ

06:12, 01/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau lũ, môi trường bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng bởi rác thải, xác súc vật chết, làm cho mầm bệnh phát triển và có nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh. Một số bệnh thường xuất hiện sau lũ là: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm gan, sốt xuất huyết, sốt rét, nước ăn chân, nấm da, bệnh phụ khoa, viêm phổi cấp tính...

Phòng các bệnh tiêu chảy, viêm gan virus A:

Bệnh này có thể mắc ở mọi lứa tuổi, song người già, trẻ em là đối tượng dễ mắc nhất. Tiêu chảy là tình trạng rối loạn đường ruột với biểu hiện đi cầu lỏng và liên tục ít nhất 3 lần trong vòng 24 giờ. Bệnh viêm gan virus A với các biểu hiện như: Người mệt mỏi, khó chịu, biếng ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng khu trú ở phía bên phải phần bụng trên; sốt, nhức đầu, đau các cơ. Đi ngoài phân lỏng, vàng da, nước tiểu sẫm màu. Nguyên nhân do thức ăn bị nhiễm bẩn, nguồn nước bị ô nhiễm; do ruồi nhặng, gián bám vào phân, xác chết, chất thải rồi đậu vào thức ăn, nước uống;…

Để đề phòng bệnh, chúng ta nên dùng nước sạch để chế biến thức ăn, thực hiện ăn chín uống sôi. Xử lý môi trường theo hướng dẫn của ngành Y tế. Nếu nhà vệ sinh bị hư hỏng chưa khắc phục kịp thì có thể đào lỗ sâu 30- 40cm đi cầu vào đó rồi lấp ngay. Nơi đào lỗ đi cầu cần xa nhà ở, nơi vui chơi của trẻ nhỏ. Tích cực tiêu diệt ruồi, gián, chuột…

Phòng bệnh đau mắt đỏ:

Bệnh có biểu hiện: Mắt ngứa, cộm, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và có nhiều ghèn mắt. Sau đó mắt đỏ, mi mắt có thể sưng nề, kết mạc phù nề. Cách phòng bệnh: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Rửa mặt hằng ngày bằng khăn mặt riêng với nước sạch. Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt, vật dụng cá nhân dễ bị nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, kính mắt. Khi mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.

Phòng các bệnh ngoài da như nước ăn chân, nấm da...

Nấm kẽ chân hay xảy ra sau lũ lụt với các biểu hiện kẽ chân bị ngứa, viêm đỏ, loét, gây đau và hay bị bội nhiễm làm sưng, dịch có mùi hôi, nổi hạch bẹn, sốt... Để phòng bệnh cần rửa chân bằng nước sạch và xà phòng sau khi phải đi qua vùng nước ngập, sau đó lau thật khô các kẽ ngón chân với khăn khô hoặc khăn giấy hoặc bôi thuốc chống nấm. Quần áo phải giặt sạch, phơi khô mới mặc.

Phòng bệnh phụ khoa

Để phòng bệnh, chị em nên dùng nước sạch trong sinh hoạt. Tránh ngâm mình dưới nước lụt. Vệ sinh thân thể thường xuyên. Sử dụng xà phòng khi tắm rửa, giặt giũ. Không mặc quần áo ẩm ướt. Không mặc chung quần áo.

Phòng các bệnh sốt xuất huyết, sốt rét

Các bệnh sốt xuất huyết, sốt rét là do muỗi đốt truyền bệnh. Vì vậy, để phòng các bệnh này thì mọi người cần: Mặc quần, áo dài tay và ngủ trong mùng kể cả ban ngày để chống muỗi đốt. Dùng nhang, thuốc xịt để xua đuổi muỗi. Loại bỏ những vũng nước tù đọng xung quanh nhà là nơi sinh sản của muỗi. Mở cửa nhà để gió, nắng làm khô ráo nhà. Trong nhà phải làm vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát.

Viêm đường hô hấp cấp tính

Để phòng bệnh phải đảm bảo mặc ấm, đặc biệt cho trẻ nhỏ và người già. Hạn chế tiếp xúc với khói, bụi. Không ngâm mình lâu dưới nước. Sau khi đi mưa về phải thay ngay quần áo ướt.  Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Ăn uống đầy đủ để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

 

Trịnh Quang Vương
 


.