Trên 70% sữa nước tại Việt Nam là pha lại

10:11, 29/11/2013
.

“Trong dòng sữa nước tại Việt Nam, trên 70% là sữa hoàn nguyên (hay sữa pha lại) có nguyên liệu từ sữa bột nhập và chất lượng thì không thể so sánh với sữa tươi sạch, nhưng nghịch lý là sữa hoàn nguyên, sữa pha lại đôi khi có giá có giá còn đắt hơn cả sữa tươi sạch”.

Đó là ý kiến được chuyên gia đưa ra trong Hội thảo quốc tế “Ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững sữa tươi sạch tại Việt Nam” do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Hiệp hội Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp (ATE) và Đại sứ quán Israel phối hợp tổ chức.

Tại Hội thảo này, nhiều vấn đề liên quan đến sữa sạch, cũng như việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và trong chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam đã được đưa ra bàn luận.
 

Ngành sữa Việt Nam đi ngược thế giới

Từ xa xưa, sữa đã được biết đến như một thức uống bổ dưỡng. Qua hàng ngàn năm, xã hội loài người đã phát triển vượt bậc, có rất nhiều loại thực phẩm mới được phát triển và sử dụng, nhưng sữa vẫn đóng vai trò thiết yếu trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của mọi lứa tuổi, bởi sữa giàu các hàm lượng vi chất mà cơ thể con người gần như hấp thu được toàn bộ.

Chính vì vậy mà, tại buổi Hội thảo quốc tế “Ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững sữa tươi sạch tại Việt Nam” đã đưa ra nhiều tham luận đã nêu rõ những vấn đề còn tồn tại của ngành sữa Việt Nam so với thế giới, đặc biệt là việc nhập siêu do thiếu nguyên liệu sữa tươi.

Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2012, tổng đàn bò của Việt Nam đạt 166,99 ngàn con, và trên 120 ngàn con đang nuôi chủ yếu tại nông hộ gia đình, với quy mô 5 - 7 con, năng suất sữa thấp và tận dụng các sản phẩm phụ trong trồng trọt là chính, do đó chất lượng sữa nguyên liệu cũng chưa đảm bảo.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2012, với nhiều doanh nghiệp thu mua từ hộ nông dân, mặc dù tiêu chuẩn chất lượng sữa mua vào do các nhà máy đưa ra không cao nhưng vẫn có từ 20 - 50% số sữa không đạt một trong các tiêu chuẩn chất lượng.

Nguồn nguyên liệu đầu vào còn thiếu, nên đa số nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước là nhập khẩu từ nước ngoài, ngành sữa là ngành luôn nhập siêu cả về khối lượng lẫn kim ngạch. Việt Nam thuộc nhóm 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất trên thế giới, mỗi năm phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại, chủ yếu là sữa và kem cô đặc, pha chế.

Theo bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH, trên thực tế sự phát triển của ngành sữa Việt Nam cũng đang đi ngược xu hướng thế giới, khi mà Việt Nam phát triển ngành sữa trước khi đầu tư vào phát triển nguồn nguyên liệu. Đặc biết, chỉ 25 – 30% dân số hiểu về sữa và có điều kiện dùng sữa. Trong dòng sữa nước, trên 70% sử dụng là sữa hoàn nguyên (hay là pha lại) có nguyên liệu từ sữa bột nhập. Khoảng 30% là dùng sữa tươi, nhưng chỉ 20% là dùng sữa tươi sạch đúng quy trình.

Nâng cao tầm vóc Việt bằng cách … uống sữa

Theo bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH, sữa là sản phẩm đặc biệt, nên cần đưa mặt hàng sữa vào mặt hàng chiến lược của ngành nông nghiệp. Mặc dù tỉ lệ của nó chiếm trong GDP có thể thấp, nhưng mức độ ảnh hưởng lại lớn vì nó ảnh hưởng tới chủ thể con người.

Thống kê mà bà Thái Hương đưa ra tại Hội thảo, hiện mức tiêu thụ sữa ở Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Điển hình, một người Thái Lan dùng trên 30 lít/năm, Singapore hơn 45 lít/năm, Ấn Độ trên 46 lít/năm, trong khi đó Việt Nam chỉ 13 lít/năm.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Phó viện trưởng – Viện dinh dưỡng cũng cho biết, hiện tình trạng suy dinh dưỡng, thấp chiều cao so với độ tuổi tại Việt Nam còn cao. Chiều cao thanh niên đang thấp hơn các nước trong khu vực.

Để cải thiện tình trạng này, theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, sữa và các sản phẩm sữa là thực phẩm chứa nhiều chất DD giá trị gồm đạm, canxi và các vitamin. Vì vậy, chúng ta nên uống 2-3 lần sữa mỗi ngày để cung cấp cho cơ thể đầy đủ nhu cầu canxi cần thiết hàng ngày.

Liên quan đến quy trình sản xuất sữa, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn khẳng định ứng dụng công nghệ cao chính là một trong những yếu tố tiên quyết cho định hướng phát triển như Nghị quyết đã đề ra.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH cho biết với mô hình khép kín, ứng dụng công nghệ cao hàng đầu của thế giới vào nông nghiệp, Tập đoàn đã tạo nên những sản phẩm sữa thực sự tươi sạch, thực sự thiên nhiên, xuất phát từ khát vọng đem lại nguồn dinh dưỡng quý giá cho người dân Việt Nam.

Từ những kinh nghiệm thực tế đã tích lũy được, bà Thái Hương cũng đề nghị các đơn vị chức năng cần vào cuộc, giúp phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung cũng như ngành sữa tươi sạch nói riêng. Cụ thể, cần những ưu đãi về lãi suất, tín dụng, ruộng đất và hỗ trợ đào tạo cho ngành, cần bảo trợ thông tin để các doanh nghiệp có thể đem ứng dụng CNC vào phát triển tại Việt Nam, vì nó là hướng đi đúng đắn nhất, hướng đi tất yếu cho ngành sữa tươi sạch tương lai.

Hơn nữa, để mang lại lợi ích tốt nhất cho người tiêu dùng, thì cần có những quy định cụ thể về quy chuẩn chất lượng các loại sữa, thông tin sản phẩm cũng cần minh bạch, tránh gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.



Minh Hường/VnMedia


.