Phòng tránh bệnh quặm mắt hột

04:11, 21/11/2013
.

BS Minh Tuệ: Quặm có thể cọ vào giác mạc gây viêm loét giác mạc, sẹo giác mạc gây nhìn mờ thậm chí mù lòa.

 

Khám mắt - Ảnh minh hoạ
Khám mắt - Ảnh minh hoạ

Theo Bác sĩ Minh Tuệ, Bệnh viện Mắt Trung ương, bệnh mắt hột đã có lúc tồn tại ở hầu hết các vùng trên thế giới. Hiện nay, mắt hột còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn ở ít nhất 46 nước đang phát triển với khoảng 146 triệu người mắc mắt hột hoạt tính và 6 triệu người bị mù lòa do các biến chứng mắt hột trên toàn thế giới.

Theo tổ chức y tế thế giới (1962): mắt hột là một viêm kết giác mạc đặc biệt, có tính lây nhiễm, đặc biệt trong điều kiện vệ sinh kém, thường tiến triển mạn tính ở người, và đặc trưng ở kết giác mạc như: hột, tăng sản nhú gai, màng máu và giai đoạn cuối cùng là sẹo hóa kết giác mạc dẫn đến mù lòa.

Tác nhân gây bệnh mắt hột là một loại vi khuẩn đặc biệt tên là Chlammydia Trachomatis, nó đặc biệt vì nó mang cả đặc tính của vi khuẩn và đặc tính của vi rút.

Quặm mắt hột

Bệnh mắt hột có nhiều biến chứng, một trong các biến chứng hay gặp là lông xiêu, quặm.

Lông xiêu là trường hợp lông mi bị lệch hướng, thay vì hướng ra trước và lên trên đối với mi trên hoặc xuống dưới đối với mi dưới, lại có xu hướng lệch vào trong về nhãn cầu. Lông xiêu thường gặp nhiều hơn ở mi trên so với mi dưới.

Quặm là sự cuộn vào trong của một phần hay toàn bộ hàng lông mi và bờ mi bị thay đổi hướng cọ vào nhãn cầu. Quặm trong mắt hột do tổn thương sụn mi do thâm nhiễm tế bào viêm, sụn mi biến dạng, phì đại, biến dang bờ tự do.

Vai trò của lông xiêu và quặm trong cơ chế gây mù lòa

Quặm mắt hột nếu không được phẫu thuật thì quặm nhẹ (từ 1-4 lông xiêu) sẽ tiến triển thành quặm nặng (từ 5 lông xiêu trở lên) đặc biệt ở nơi mắt hột hoạt tính có tỷ lệ cao nhiều bệnh nhân có quặm một; Mắt tiến triển thành quặm 2 mắt.

Quặm có thể cọ vào giác mạc gây viêm loét giác mạc, hậu quả nhẹ là sẹo giác mạc gây nhìn mờ thậm chí mù lòa, nặng hơn khi có bội nhiễm gây viêm mủ nội nhãn có thể phải bỏ mắt, teo nhãn cầu và gây mù.

Triệu chứng của quặm mắt hột:

Cơ năng: bệnh nhân thường thấy cộm, chói, chảy nước mắt, nhìn mờ (do lông xiêu, lông quặm cọ vào bề mặt nhãn cầu gây thích thích và gây viêm kết mạc, giác mạc ).

Thực thể: Lông xiêu, lông quặm cọ vào bề mặt nhãn cầu ở các mức độ.

Quặm xuất hiện khi có sự thay đổi hướng của hàng chân lông mi, có ít nhất 1 chân lông

- Mi của các lông xiêu không quan sát được.

 - Kết mạc cương tụ.

  - Giác mạc có tổn thương: từ viêm giác mạc chấm đến loét giác mạc....       

 Điều trị quặm mắt hột: bằng phẫu thuật, có nhiều phương pháp phẫu thuật tùy bệnh nhân bác sỹ sẽ lựa chon phương pháp phẫu thuât phù hơp.

Phòng bệnh mắt hột:

- Cung cấp nước sạch.

- Giảm số người trong hộ gia đình.

 -Cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, cải thiện điều kiện vệ sinh cá nhân./.
 

Theo Thu Thủy/VOV online
 


.