Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS

03:08, 12/08/2013
.

(QNg)- Nhằm giảm thiểu số người nhiễm HIV/AIDS, trong những năm qua, thành phố Quảng Ngãi luôn chú trọng đến công tác thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi nhằm phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn.

TIN LIÊN QUAN


 Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng thành phố Quảng Ngãi, năm 2008, toàn thành phố có 44 ca nhiễm HIV được phát hiện, nhưng đến nay con số này đã lên tới 76 ca nhiễm HIV. Chủ yếu tập trung ở nhóm tuổi từ 18 - 35, đối tượng hành nghề tiếp viên, gái mại dâm… “HIV/AIDS có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp trong giai đoạn từ năm 2010 - 2020. Có nhiều khả năng đến năm 2020 Quảng Ngãi sẽ có khoảng 5.000 người bị nhiễm HIV/AIDS”, ông Lê Văn Trung. Phó phụ trách khoa kiểm soát dịch bệnh- HIV, thuộc Trung tâm y tế dự phòng thành phố lo lắng.

 

 Lấy mẫu xét nghiệm HIV định kỳ đối với nhân viên hành nghề cắt tóc trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi.
Lấy mẫu xét nghiệm HIV định kỳ đối với nhân viên hành nghề cắt tóc trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi.


Về nguyên nhân, ông Trung cho biết, số lượng tiếp viên trá hình tại thành phố Quảng Ngãi quá nhiều (chiếm khoảng 80%). Gái mại dâm, nhà trọ, các điểm dịch vụ làm đẹp phát triển mạnh, gây khó khăn trong việc quản lý hành vi của nhân viên. Bên cạnh đó, một số thanh thiếu niên chưa ý thức được mối nguy hiểm và tác hại của ma túy và HIV/AIDS nên tò mò và muốn “thử” dẫn đến vô tình gánh lấy hậu quả cho chính mình. Quảng Ngãi ngày càng có nhiều KCN, thu hút nhiều lao động từ các nơi khác đến nên các tệ nạn xã hội ngày càng tăng và tỷ lệ thuận với số ca HIV.

Trước thực trạng trên, Trung tâm đã phối hợp với các ngành chức năng thực hiện các chương trình thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi tại 10/10 xã, phường. Ngoài việc tuyên truyền cho cộng đồng qua đài truyền thanh, trung tâm còn phân nhóm đối tượng hành vi nguy cơ cao gồm: Nhóm đối tượng nghiện chất ma túy, người bán dâm, tiếp viên nhà hàng, người nhiễm HIV, nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ… với hàng nghìn lượt người mỗi năm. Từ đầu năm đến nay, có 2.522 lượt người được truyền thông trực tiếp thay đổi hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV. Trong đó, có 11 lượt người nghiện chích ma túy, 299 lượt người bán dâm, tiếp viên nhà hàng, 1.124 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ… được truyền thông trực tiếp. Ngoài ra, hệ thống áp phích, tờ rơi, tranh gấp, sách nhỏ… cũng được củng cố tại các địa bàn trọng điểm, nơi tập trung đông dân cư. Các xã, phường cũng triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại như phân phát bao cao su, bơm kim tiêm…

Hằng năm, Ban phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp cùng Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh xét nghiệm trung bình khoảng 500 mẫu (trong đó có từ 2 đến 4 mẫu dương tính). Từ chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Ban đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nhờ vậy mà 100% các bà mẹ sau khi sinh đều được an toàn. Việc chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS cũng được tiến hành đa dạng với nhiều hình thức như tư vấn thường xuyên, lập hồ sơ theo dõi, khám sức khoẻ định kỳ, thường xuyên thăm hỏi động viên bệnh nhân…

“Đối với nhóm đối tượng nhiễm HIV, chúng tôi thực hiện việc quản lý hành vi, hướng dẫn sử dụng thuốc ARV, các biện pháp phòng tránh lây lan cho cộng đồng và người thân, đồng thời giúp họ làm công tác truyền thông để thu hút người nhiễm HIV tham gia nhằm động viên họ về mặt tinh thần… Riêng đối với nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trung tâm tư vấn để xét nghiệm trước và trong khi mang thai để tránh lây nhiễm từ mẹ sang con…”- ông Trung nói.   

Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức liên quan đến HIV/AIDS cho cán bộ chuyên trách nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác truyền thông. “Năm 2013, các cán bộ chuyên trách được tham gia tập huấn nội dung xây dựng kế hoạch công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Điều đó sẽ giúp cho các cán bộ chuyên trách chuẩn bị tốt hơn trong việc tổ chức tháng truyền thông phòng chống HIV/AIDS sắp đến”- ông Trung cho biết thêm.     


Bài, ảnh: T. PHƯƠNG
 


.