Viêm gan siêu vi: “Sát thủ” giấu mặt

09:07, 29/07/2013
.

Ở nước ta hiện có rất nhiều người đang sống chung với vi rút viêm gan, nhiều người khác có nguy cơ lây nhiễm song hầu hết đều không biết mình mắc bệnh hoặc chưa biết cách phòng tránh.


Theo PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai hiện thường xuyên điều trị nội trú cho hơn 100 bệnh nhân bị viêm gan vi rut (cả Khoa chỉ có 120 giường bệnh), trong đó viêm gan B chiếm tới 50-60%. Nếu kể cả những bệnh khác điều trị nội trú tại khoa thì không thể tránh khỏi tình trạng quá tải giường bệnh.

Hiểm họa cho sức khỏe

Không chỉ ở BV Bạch Mai, tại nhiều bệnh viện khác, số người mắc viêm gan B, C cũng tăng theo thời gian. Chẳng hạn tại BV Bình Dân (TPHCM), TS Bùi Mạnh Côn, Phó Giám đốc BV cho biết năm 2011, Bệnh viện có 2.397 bệnh nhân điều trị viêm gan B; 201 người bị viêm gan C. Đến năm 2012, con số này đã tăng lên 2.773 bệnh nhân viêm gan B và 247 bệnh nhân viêm gan C.
 

 

Theo TS Đinh Quý Lan, Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, vi rut viêm gan đang là mối hiểm họa thực sự cho toàn nhân loại. Hàng ngày, loại vi rút này đang âm thầm gây tác hại tới sức khỏe và đời sống của hàng triệu người dân, trong đó có Việt Nam.

Hiện, vi rut viêm gan đã lây nhiễm khoảng ở 2 tỷ người trên toàn thế giới, (trong đó có khoảng 500 triệu người bị viêm gan), gây tử vong cho trên 1 triệu người mỗi năm.

Hàng năm có hàng chục vạn người chết do xơ gan nặng hoặc ung thư gan. Bệnh viêm gan vi rut khó chữa trị, thời gian chữa trị kéo dài, tốn kém, nhiều người nghèo không đủ điều kiện chạy chữa phải đối mặt với tử vong.

Hầu hết bệnh nhân bị viêm gan virut B, C không có triệu chứng rõ rệt nên nhiều người không biết mình mắc bệnh, đến bệnh đã chuyển sang giai đoạn xơ gan thậm chí ung thư gan mới biết thì đã muộn.

Ở nước ta, hiện có khoảng 20 triệu người bị lây nhiễm vi rut viêm gan B, viêm gan C, trong đó có hơn 8 triệu người bị xơ gan, ung thư gan.

Kiên trì chữa trị theo chỉ định của bác sỹ

Anh Nguyễn Ngọc Tấn (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, sinh năm 1976) mắc viêm gan B đang trong đợt điều trị lần thứ 3 tại Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai.

Khi chúng tôi hỏi về tình hình bệnh tật, anh Tấn cho biết mình được chẩn đoán mắc viêm gan B từ năm 2005. Trước thời gian này, thi thoảng anh thấy cơ thể mình mệt mỏi, chán ăn, đặc biệt là khi đi qua các quán ăn anh thấy rất sợ mùi mỡ. Tuy nhiên, chỉ nghĩ đó là do cơ thể mệt mỏi bình thường nên anh tự ra hiệu thuốc mua thuốc chống mệt mỏi về uống nhưng tình hình sức khỏe không được cải thiện, anh đã vào BV Bạch Mai để kiểm tra.

Sau khi làm các xét nghiệm, kết quả cho thấy anh bị nhiễm vi rút viêm gan B.

Điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, anh được chỉ định thuốc uống với chi phí 600.000 đồng/tháng. Sau khoảng 1 năm, thấy sức khỏe ổn định hơn và nghĩ  đến số tiền điều trị hàng tháng khá lớn so với khả năng kinh tế gia đình, anh đã tự ý dừng điều trị.

Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, bệnh tái phát bệnh và anh lại phải vào Khoa Truyền nhiễm chữa trị đợt 2 (năm 2007). Lần này, anh Tấn cũng phải điều trị bằng thuốc uống nhưng số tiền đã tăng gấp đôi, tới 1,2 triệu đồng/tháng. Nhưng anh cũng chỉ điều trị chỉ hơn 1 năm rồi lại tự ý bỏ ngừng lại.

Cho đến nay, anh đang phải điều đợt 3 tại Khoa và phải dùng thuốc uống với số tiền 1,6 triệu đồng/tháng.

Nói trong nỗi ân hận, anh Tấn cho biết giá mình cứ điều trị đều đặn bằng thuốc uống ngay từ đầu thì dù có kéo dài vài năm đi nữa cũng còn rẻ hơn chi phí bây giờ rất nhiều.

Theo PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, Trưởng Phòng viêm gan vi rut, Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, hiện tại anh Tấn đang bị xơ gan và đang phải truyền máu để tăng tỷ lệ  chức năng gan.

Đây là bài học đắt giá cho những người “tự ý” điều trị căn bệnh nguy hiểm này.

 


Theo Thúy Hà/Chinhphu.vn


.