Hết dám ăn bún?

10:07, 04/07/2013
.

*Thanh Thảo


(QNĐT)- Tôi có anh bạn làm công chức ở Sài Gòn, anh gọi điện cho tôi sau khi đọc bài trên báo Thanh Niên “Dùng hóa chất tái chế bún”: “Chết rồi ông ơi! Bún bò giò heo là món khoái khẩu của tôi, nhưng từ nay, làm sao tôi dám ăn bún sau khi đã đọc cái phóng sự này”?

 

TIN LIÊN QUAN


Tôi nói với anh bạn, thì một thành viên trong đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng nói y như anh: “Kiểm tra cơ sở này xong về hết dám ăn bún!”. Nhưng chẳng lẽ, biện pháp tích cực nhất để chống lại “kỹ nghệ tái chế bún thiu bằng hóa chất” chỉ là “hết dám ăn bún”. Như thế thì dễ quá!

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ


Nhưng đó là cái dễ không thể thực hiện được trong cả một cộng đồng xã hội, khi bún vẫn là một loại thực phẩm phổ biến đối với người Việt. Và ăn bún dưới nhiều dạng thức khác nhau vẫn là kiểu ăn thường ngày của cả cộng đồng. Không thể đột ngột “dừng ăn bún” do bún bẩn và xem đó là biện pháp duy nhất để tránh bị ngộ độc từ bún. Vậy phải làm thế nào?

Kêu gọi lương tâm, đạo đức của những người sản xuất bún? Đó là việc phải làm, làm thường xuyên và làm kiên nhẫn. Đạo đức của nhà sản xuất, nhất là sản xuất lương thực, thực phẩm luôn phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng nếu cứ kêu gọi cứ giáo dục mãi mà những loại thực phẩm được bán và ăn hằng ngày như bún vẫn chưa sạch được, thì phải làm sao?

Phải có những biện pháp chế tài thật sự mạnh mẽ và hữu hiệu. Không thể khác. Tùy mức độ vi phạm và khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, những cơ sở vi phạm có thể bị từ phạt nặng tới truy tố ra tòa, buộc phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì với việc sản xuất những thực phẩm bẩn, dùng hóa chất độc hại, người sản xuất có thể mang lại bệnh tật, thậm chí cái chết cho nhiều người.

Không phải cứ làm người ta chết ngay thì mới mang tội cố sát, mà với những kiểu “đầu độc hằng ngày” qua thực phẩm độc hại như thế, những cái chết từ từ sẽ xảy đến với nạn nhân. Đó cũng là một kiểu đầu độc.
Đúng là người tiêu dùng có thể từ chối, có thể “nói không” với những loại thực phẩm độc hại được sản xuất theo những quy trình độc hại, nhưng “nói không” trên phạm vi toàn xã hội thì lại không được, lại bất khả. Ví như bún, đó chỉ là “một bộ phận cấu thành” của bát bún, dù là bún bò hay bún riêu và người bán bát bún ấy nhiều khi vô tội, vô can (nếu họ không trả lại bún thừa để lấy lại tiền theo giá mua).

Nếu bây giờ chúng ta đồng loạt tẩy chay bất cứ món bún nào bán trong quán hay ngoài đường, thì những người bán những bát bún ấy sẽ sống thế nào? Và, cái chính, chẳng bao giờ có sự “tẩy chay đồng loạt” như vậy cả!

Chỉ còn đúng một cách: Phải bằng mọi biện pháp chấm dứt việc sản xuất những thực phẩm mang tính độc hại như “bún bẩn”. Từng địa phương, đến từng thôn hay tổ dân phố, phải quản lý hết sức chặt chẽ những cơ sở sản xuất thực phẩm có yếu tố “nhạy cảm”. Và, phải dùng “tai mắt nhân dân” để phát hiện ra những cơ sở sản xuất thực phẩm mang tính độc hại. Chỉ có làm ráo riết như vậy thì mới hạn chế tới mức tối đa những sản phẩm thực phẩm độc hại được tung ra thị trường.

Chứ nếu chỉ than lên: “Từ giờ hết dám ăn bún!”, thì mọi chuyện chỉ dừng ở lời than, chứ bún bẩn vẫn nguyên con bún bẩn. Và nếu anh không ăn, vẫn có những người khác ăn./. 
 

 


 


.