Chuẩn bị "vượt cạn"

09:07, 16/07/2013
.

Đến tuần thai thứ 34, người mẹ cần chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho việc sinh nở, vì chuyển dạ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Những vật dụng cần thiết


Thai phụ cần một giỏ lớn và một giỏ nhỏ. Giỏ lớn chủ yếu chứa những vật dụng cần cho bé, như: áo, tã giấy hoặc tã vải, mũ len hay mũ vải, vớ, giày vải, bao tay, băng rốn, khăn lông nhỏ và khăn lông to mềm dành cho việc quấn bé, hộp giấy vệ sinh ướt, phích đựng nước sôi, bộ quần áo để mẹ mặc khi xuất viện. Còn giỏ nhỏ dành cho mẹ, bao gồm: áo bầu có nút cài phía trước, túi vệ sinh cá nhân (bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt, tất), quần lót, băng vệ sinh.
 

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ



Giấy tờ cần thiết khi đi sinh bao gồm sổ khám thai, các giấy siêu âm, xét nghiệm, bản sao sổ hộ khẩu để tiện cho việc chứng sinh khi xuất viện, bản chính và hai bản sao chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm (còn hạn sử dụng) kèm hai bản sao.

Những dấu hiệu chuyển dạ

ThS. BS. Ngô Thị Yên (BV. Từ Dũ) tư vấn, khi người phụ nữ mang thai ở tuần lễ từ 38 - 40, những dấu hiệu chuyển dạ sẽ là:

- Đau nặng bụng dưới.

- Hoặc cảm giác những cơn gò tử cung đều đặn (10 phút gò 3 cơn hoặc 5 phút gò 1 cơn).

- Hoặc âm đạo ra nhớt hồng.

Ngoài ra, nếu thấy có những dấu hiệu như: ra nước ối, ra huyết âm đạo, thai máy ít hoặc máy yếu, huyết áp cao, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, phù, bụng gò liên tục…; thai phụ phải tìm đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất.

Cách hít thở khi sinh

Dựa vào tính chất của cơn gò, thai phụ có cách thở tương ứng:

- Hít vào thở ra bằng miệng.

- Điều chỉnh nhịp thở ngày càng nông hơn.

- Lâu lâu hít sâu một lần.

Việc hít thở từ từ sẽ giúp ích cho thai phụ khi tử cung co thắt cao điểm. Nếu có dấu hiệu đau bụng nhiều, ra nước ối, hay cảm giác mắc rặn, thai phụ cần báo cho bác sĩ ngay.

Phương pháp sinh không đau

Đối với tất cả sản phụ có thể sinh thường, cổ tử cung mở chưa quá 6cm, và không có chống chỉ định gây tê, có thể áp dụng phương pháp sinh không đau. Đây là phương pháp dùng kỹ thuật gây tê với mục đích làm giảm cảm giác đau đớn trong lúc chuyển dạ, và sản phụ vẫn còn cảm giác rặn sinh. Kỹ thuật này giúp sản phụ đỡ mất sức khi sinh. Sau sinh, bà mẹ sẽ khỏe hơn rất nhiều so với phương pháp sinh thường truyền thống.

Chăm sóc bé sau sinh

Ngay khi bé được sinh ra, nhân viên y tế sẽ hút nhớt và cắt rốn cho bé. Bé sẽ được tiêm vitamin K1 để phòng ngừa xuất huyết não, vắc-xin viêm gan B. Trong khi bé được chăm sóc, sản phụ vẫn được tiếp tục theo dõi: đo huyết áp, bắt mạch, xoa đáy tử cung, theo dõi lượng máu mất bằng túi đo máu nhằm phát hiện sớm băng huyết sau sinh.

Ngay sau sinh một giờ, bé nên được bú mẹ để tận hưởng sữa non. Sữa non chỉ có ba ngày đầu sau sinh. Sữa non ngoài chất dinh dưỡng, còn có tác dụng bảo vệ cơ thể bé chống nhiễm khuẩn và dị ứng. Bú mẹ sớm sẽ giúp bé bú mẹ tốt hơn sau này. Nếu cho bé bú bình trước khi bú mẹ lần đầu, bé sẽ quen với bú sữa bình, dễ chê sữa mẹ.

Bé còn được lấy máu làm xét nghiệm để sớm phát hiện các bệnh lý bẩm sinh như: suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, và thiếu men G6PD (có thể gây biến chứng vàng da, nặng hơn là các bệnh lý về não, chậm phát triển tâm thần vận động…).

Chế độ ăn cho bà mẹ

Điều các bà mẹ quan tâm nhất là nhiều sữa cho con bú. Chế độ ăn đóng một vai trò quan trọng. Bà mẹ phải ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, gồm các nhóm như đường, mỡ, đạm, đặc biệt chú ý đến chất xơ và vitamin bằng cách ăn nhiều rau và trái cây, uống nhiều nước để có sữa cho em bé bú. Trong chế độ ăn uống, bà mẹ không nên kiêng khem một cách quá mức, nhưng đồng thời cũng đừng ăn mặn quá để tránh việc lên huyết áp cũng như sản giật trong thời kỳ hậu sản. Trong suốt thời kỳ hậu sản, bà mẹ cũng cần phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

Sau sinh, bà mẹ có thể vận động và đi lại sớm, không nên nằm yên tại chỗ trên giường để tránh nguy cơ bị thuyên tắc mạch. Bà mẹ có thể tập thể dục một cách nhẹ nhàng, tuy nhiên không nên gắng sức quá.
 

Theo PHƯƠNG KHÁNH/SK&ĐS

 


.