Cảnh giác với biến chứng viêm ruột thừa cấp

03:06, 22/06/2013
.

Ruột thừa là một túi cùng, nằm cắm vào đoạn cuối của manh tràng, nơi bắt đầu của đoạn ruột già. Về chức năng, ruột thừa hầu như không có vai trò gì trong quá trình tiêu hóa. Viêm ruột thừa cấp có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào với biến chứng không lường trước được.

Nguyên nhân và biểu hiện

Bình thường, kích thước của ruột thừa ở người trưởng thành dài khoảng 6-8cm. Với những người bình thường thì ruột thừa nằm ở hố chậu phải. Nguyên nhân thường gặp của viêm ruột thừa cấp là do lòng của ruột thừa bị bít lại (chiếm 90%) vì các lý do khác nhau như: có sỏi, dị vật, giun, do tổ chức lympho ở lớp niêm mạc phát triển mạnh (gặp ở trẻ em).
 

Vị trí ruột thừa trong hệ thống tiêu hóa.
Vị trí ruột thừa trong hệ thống tiêu hóa.



Biểu hiện thường thấy của viêm ruột thừa cấp là đau bụng, cơn đau thường xuất hiện ở vùng thượng vị trước rồi lan xuống khu trú vùng hố chậu phải với tính chất đau liên tục, âm ỉ, tăng dần. Có thể đau quặn, đau rát, nhưng không lan xuyên.

Bên cạnh đó có các triệu chứng khác như: nôn, buồn nôn, bụng ậm ạch khó chịu; bí trung đại tiện hoặc đại tiện lỏng; thường là sốt mức độ nhẹ, sốt cao (gặp ở các trường hợp viêm ruột thừa đã có viêm phúc mạc).

Cần phân biệt với bệnh gì?

Có rất nhiều bệnh lý vùng hố chậu phải có biểu hiện gần tương tự, trong thực tế, cần chú ý phân biệt với một số bệnh sau:

Viêm túi thừa Meckel: túi thừa Meckel ở ruột non nằm trong vùng bụng dưới phải, gần với vị trí của ruột thừa. Túi thừa Meckel có thể bị viêm và thậm chí bị thủng.

Bệnh lý viêm nhiễm vùng chậu: buồng trứng và vòi trứng bên phải nằm gần ruột thừa. Phụ nữ độ tuổi hoạt động tình dục có thể có các bệnh lý viêm nhiễm liên quan đến vòi trứng và buồng trứng.

Bệnh lý viêm nhiễm ở vùng bụng trên phải: dịch từ vùng bụng trên phải có thể chảy xuống vùng bụng dưới, nơi mà chúng sẽ kích thích để gây nên hiện tượng viêm và có biểu hiện tương tự như viêm ruột thừa. Dịch trong trường hợp này có thể từ bệnh lý thủng túi mật, thủng dạ dày hay tá tràng do loét hoặc các bệnh lý ở gan như áp-xe gan...

Viêm túi thừa bên phải: mặc dù hầu hết các túi thừa thường nằm bên đại tràng trái nhưng thỉnh thoảng cũng nằm bên phải. Khi các túi thừa bên phải này vỡ thì có thể khởi phát hiện tượng viêm tương tự như viêm ruột thừa.

Bệnh thận: các bệnh lý viêm nhiễm của thận bên phải cũng có thể biểu hiện giống với viêm ruột thừa.

Biến chứng

Viêm phúc mạc toàn bộ: do ruột thừa vỡ chảy vào ổ bụng. Bệnh nhân sốt cao, môi khô, lưỡi bẩn, đau đầu, đau khắp ổ bụng, bí trung đại tiện, trướng bụng do liệt ruột, phản ứng cả khắp ổ bụng.

Áp-xe ruột thừa: ruột thừa bị vỡ nhưng được mạc nối, các quai ruột bao bọc xung quanh làm hàng rào khu trú vùng viêm không lan ra ổ bụng. Bệnh nhân vẫn đau hố chậu phải và sốt cao, sờ hố chậu phải có một khối không di động, mặt nhẵn, ấn căng đau. Xét nghiệm bạch cầu tăng cao. Áp-xe ruột thừa có thể vỡ vào ổ bụng hoặc vỡ ra ngoài gây rò.

Đám quánh ruột thừa: do sức đề kháng tốt, viêm ít, sự kết dính của quai ruột và mạc treo tốt. Bệnh nhân đau và sốt giảm, hố chậu phải có khối chắc, không di động, ấn đau ít. Xét nghiệm bạch cầu giảm, dần trở lại bình thường. Đám quánh cũng có thể tiến triển theo 2 hướng: hoặc tan dần hoặc tạo áp-xe ruột thừa.

Điều trị như thế nào?

Với các trường hợp viêm ruột thừa cấp hiện nay, khi chưa có biến chứng, điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật nội soi qua ổ bụng. Trường hợp đã có biến chứng, cần mổ mở, tùy theo biến chứng mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp mổ, đường mổ và cách thức xử lý khác nhau.

Sau mổ, cần vận động nhẹ nhàng càng sớm càng tốt để cho máu lưu thông tốt hơn, kích thích nhu động ruột hoạt động trở lại tránh tắc hoặc dính ruột. Nếu không có tai biến gì, bệnh nhân có thể trở lại hoạt động thể lực bình thường sau 4 tuần.
 

Theo ThS. Đỗ Trọng Bằng/SK&ĐS

 


.