Quảng Ngãi: Còn tồn 15.187 liều vắcxin Quinvaxem 5 trong 1

08:05, 06/05/2013
.

(QNĐT)- Đó là số liệu ông Hồ Minh Nên- Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cung cấp trong buổi trao đổi với phóng viên Quảng Ngãi điện tử vào chiều 6/5. Cũng theo ông Nên, việc ngưng sử dụng vắcxin Quinvaxem theo chỉ đạo của Bộ Y tế sẽ không ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh.

TIN LIÊN QUAN


Thời gian qua, việc tiêm phòng vắcxin Quinvaxem 5 trong 1 ở nước ta đã gây ra 9 ca tử vong và hàng chục trẻ em khác gặp sự cố về sức khỏe. Ngày 4/5, Bộ Y tế đã chính thức có văn bản thông báo tạm ngừng sử dụng vắcxin Quinvaxem trong dự án tiêm chủng mở rộng nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

PV: Thưa ông, hiện nay Quảng Ngãi còn tồn bao nhiêu liều vắcxin Quinvaxem  5 trong 1?

Ông Hồ Minh Nên- Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh
Ông Hồ Minh Nên- Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh


Ông Hồ Minh Nên: Vắcxin Quinvaxem phối hợp 5 thành phần ngừa cùng lúc 5 loại bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib và viêm gan siêu vi B do Công ty Berna Biotech Korea Corporation sản xuất. Để phục vụ cho chương trình tiêm chủng mở rộng, từ năm 2010, Quảng Ngãi đã nhập 205.914 liều vắcxin Quinvaxem, và đã sử dụng 194.990 liều. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh còn tồn 15.187 liều vắcxin 5 trong 1. Trong đó, kho tuyến tỉnh đang giữ 10.924 liều, tuyến huyện còn lại 4.263 liều.

PV: Sau khi có chỉ đạo của Bộ Y tế về việc ngưng sử dụng vắcxin Quinvaxem, Trung tâm y tế dự phòng đã triển khai việc kiểm kê, thu hồi và tạm đình chỉ tiêm đối với loại vắcxin này như thế nào?

Ông Hồ Minh Nên: Đến sáng 6/5, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã gửi công văn đến 14 Trung tâm y tế huyện, thành phố thông qua hộp thư điện tử về việc tạm ngừng sử dụng vắcxin Quinvaxem. Đồng thời, chỉ đạo triển khai kiểm kê, đánh giá hạn sử dụng cũng như số lô hiện có và đưa vào kho bảo quản theo đúng quy trình Bộ Y tế quy định. Các đơn vị cũng được chỉ đạo báo cáo nhanh số liều vắcxin 5 trong 1 còn tồn lại để tổng hợp gửi về Sở Y tế, Cục Y tế dự phòng trong thời gian sớm nhất.

PV: Thưa ông, việc tạm ngừng tiêm vắcxin 5 trong 1 có ảnh hưởng như thế nào đối với việc tiêm chủng trên địa bàn tỉnh?

Ông Hồ Minh Nên: Mỗi tháng, Quảng Ngãi sử dụng khoảng 8.000 liều vắcxin Quinvaxem 5 trong 1 để tiêm phòng cho trẻ em trong độ tuổi. Tỉnh ta chưa có trường hợp tai biến đáng tiếc nào xảy ra trong quá trình tiêm loại vắcxin này. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, chúng tôi sẽ dừng toàn bộ việc tiêm phòng loại vắcxin này. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế vẫn chưa có công văn hướng dẫn việc sử dụng phương án thay thế thay cho vắcxin Quinvaxem. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng Bộ Y tế sẽ sớm có chỉ đạo cụ thể về việc tiếp tục sử dụng vắcxin 5 trong 1 hoặc là sử dụng loại vắcxin khác thay thế để đảm bảo sự ổn định trong công tác tiêm chủng trên địa bàn cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng.

 

Lô văcxin Quinvaxem bị nghi gây tử vong cho bé Đ.N.N.V.A. tại Đà Lạt, Lâm Đồng ngày 16-3 - Ảnh: Báo Tuổi trẻ
Lô văcxin Quinvaxem bị nghi gây tử vong cho bé Đ.N.N.V.A. tại Đà Lạt, Lâm Đồng ngày 16-3 - Ảnh: Báo Tuổi trẻ

 

PV: Nhiều gia đình có trẻ trong độ đến thời hạn tiêm phòng nhưng không được tiêm thì rất lo lắng?

Ông Hồ Minh Nên: Việc lùi thời hạn tiêm phòng hoặc dùng vắcxin thay thế sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ. Bởi, trong chương trình tiêm chủng mở rộng, sau khi tiêm mũi 1, có thể chậm tiêm mũi 2 trong thời gian 1-2 tháng mà không ảnh hưởng gì đến thể lực của trẻ cũng như hiệu lực của thuốc. Trong thời gian này, chúng tôi sẽ có kế hoạch triển khai tiêm phòng thay thế nếu Bộ Y tế có ý kiến chỉ đạo.

PV: Cũng có nhiều phụ huynh hoang mang trước thông tin tiêm vắcxin sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của trẻ nên đã không đem con đi tiêm phòng. Ông có khuyến cáo gì trước tình trạng này?

Ông Hồ Minh Nên: Trước khi nước ta triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc, thực tế cho thấy, đã có hàng loạt trường hợp trẻ vì không được tiêm vắcxin mà đã mắc bệnh và để lại di chứng suốt đời như: Bệnh ho gà, bại liệt, tai biến não, viêm màng não mủ… Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai từ năm 1985, đã đẩy lùi hoàn toàn một số bệnh như: Bại liệt… Như vậy, lợi ích của việc tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi đã được khẳng định, giúp ngăn ngừa, đẩy lùi một số bệnh nguy hiểm. Do đó, tôi khuyến cáo các bà mẹ có con trong độ tuổi cần đem con đến các điểm tiêm chủng để thực hiện tiêm phòng theo đúng quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia.

PV: Xin cảm ơn ông.
 

 

Thực hiện: Thanh Phương
 

 


.