Cúm A/H1N1 trở lại mạnh mẽ

08:05, 02/05/2013
.

Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, chỉ trong một tháng qua có đến ba bệnh nhân mắc chủng cúm A/H1N1 năm 2009 (trước đây gọi là cúm A/H1N1 đại dịch, xuất hiện lần đầu năm 2009) tử vong.
 

Ông N.Đ.B. (Đà Lạt) đang được điều trị tại khu vực cách ly và tiếp tục hôn mê - Ảnh: MAI VINH
Ông N.Đ.B. (Đà Lạt) đang được điều trị tại khu vực cách ly và tiếp tục hôn mê - Ảnh: MAI VINH


Theo ông Trần Như Dương, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, trong tuần gần đây nhất cho thấy số bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 chủng năm 2009 tăng mạnh, chiếm tới 70% mẫu bệnh phẩm cúm lấy tại 10 điểm giám sát cúm trọng điểm quốc gia ở cả bốn khu vực Bắc, Trung, Nam và Tây nguyên, 24% nhiễm chủng cúm H3N2 và 6% còn lại nhiễm cúm B.

Trở lại mạnh mẽ

Trong thời điểm đầu và trung tuần tháng 4, lượng bệnh nhân cúm A/H1N1 chiếm 48%/tổng số bệnh nhân cúm, còn thống kê năm 2012 bệnh nhân cúm A/H1N1 chỉ ở mức 5-6%. Ổ dịch cúm A/H1N1 chủng 2009 mới nhất xuất hiện vào ngày 25-4 tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai, tính đến ngày 30-4 có tổng số 37 học sinh mắc bệnh.

Ông Dương cho biết xét nghiệm những mẫu bệnh phẩm đầu tiên đã cho thấy học sinh ở đây nhiễm chủng cúm A/H1N1 năm 2009. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ đại dịch cúm 2009 có sự xuất hiện trở lại của ổ dịch cúm với hàng chục người mắc tại VN.

Lường trước tình hình, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Lào Cai và phòng y tế Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đã thành lập năm phòng cách ly, tiến hành khử trùng ổ dịch. Đến nay có 11 học sinh hết sốt, sức khỏe tiến triển tốt.

Trước đó, Lào Cai cũng có một nam thanh niên 23 tuổi tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Bạch Mai và một số chùm ca bệnh là người cùng sống trong một gia đình. Bên cạnh đó, một bé gái 12 tuổi quê Thanh Hóa cũng tử vong cuối tháng 4 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư chỉ sau hai ngày nhập viện. Ngoài bé gái này, gia đình còn có hai bệnh nhân khác cùng bị lây bệnh từ người nhà sống ở Hà Nội.

Ông Nguyễn Hồng Hà, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cũng khẳng định thông thường người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai, người bị suy giảm miễn dịch dễ bị cúm nặng hơn.

Tuy nhiên, ba trường hợp tử vong trong tháng 4 vừa qua đều không thuộc nhóm đối tượng này. Theo ông Hà, đây có thể là những trường hợp bị cúm ác tính, nhiễm phải loại virút cúm độc lực cao, hàng ngàn ca mới gặp một ca, còn lại đa số bệnh nhân cúm có thể lui bệnh sau năm ngày. “Nhưng không thể vì thế mà cho rằng bệnh cúm không nguy hiểm, vì mỗi năm thế giới có đến 200.000-500.000 người chết vì bệnh cúm, đứng hàng đầu trong số các bệnh truyền nhiễm”- ông Nguyễn Hồng Hà đánh giá.

Phòng bệnh thế nào?

Ông Trần Như Dương cảnh báo những người thuộc nhóm nguy cơ bệnh dễ trở nặng, người bệnh cúm có biểu hiện sốt cao, đau ngực nên đi khám, tư vấn bác sĩ sớm để được chỉ định nên cách ly tại nhà hay điều trị tại bệnh viện, được uống thuốc kháng virút sớm, nhất là trường hợp tại khu vực sinh sống, học tập, làm việc có bệnh nhân cúm A/H1N1.

Mặc dù cúm là thể bệnh lành tính, nhưng có tỉ lệ tử vong đáng kể nên người mắc bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao không nên chủ quan, tự điều trị tại nhà và có khả năng khó trở tay khi bệnh tiến triển nặng. Ông Dương nhấn mạnh các biện pháp phòng bệnh cúm đặc hiệu nhất hiện nay vẫn là thông thoáng nhà cửa, vệ sinh cá nhân, vệ sinh đường mũi họng hằng ngày, rửa tay bằng xà phòng để hạn chế bị dây dính virút cúm từ các vật dụng công cộng như điện thoại, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang...

Trong vùng đang có dịch, ông Dương khuyến cáo nên tránh tập trung đông người, đeo khẩu trang bắt buộc khi tiếp xúc với người bệnh. Theo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, hiện văcxin ngừa cúm A/H1N1 chủng 2009 được tích hợp vào văcxin cúm mùa thông thường, do đó những người thuộc nhóm bệnh dễ trở nặng cũng có thể tiêm ngừa văcxin để phòng bệnh hiệu quả hơn. Tuy nhiên, do đây là loại văcxin dịch vụ nên giá thành khá cao và phải tiêm nhắc lại hằng năm.



Theo LAN ANH/Báo Tuổi trẻ


.