Chống cúm A/H7N9: Phải kiểm soát chặt biên giới Việt - Trung

03:05, 06/05/2013
.

Thông qua việc xét nghiệm hơn 500 mẫu bệnh phẩm trên gia cầm tại Việt Nam, tất cả đều cho kết quả âm tính với virus cúm A/H7N9.

Từ ngày 29/3 - 4/5, theo ghi nhận của cơ quan đầu mối IHR – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổng số ca mắc cúm A/H7N9 là 128 người, trong đó có 27 trường hợp tử vong tại Trung Quốc và Đài Loan.

Phát biểu tại Hội nghị huy động nguồn lực cho công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 ở Việt Nam được tổ chức sáng nay (6/5) tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Việt Nam là nước có đường biên giới dài với Trung Quốc, nên việc giao lưu qua lại bằng con đường nhập khẩu, trao đổi hàng hóa với Trung Quốc là rất lớn. Đặc biệt, tình trạng gia cầm, các sản phẩm gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch rất khó được kiểm soát là những nguy cơ gây lây nhiễm cúm A/H7N9 và bùng phát ở Việt Nam.

 

Ở Việt Nam chưa có trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 nào được ghi nhận cả ở người và gia cầm (Ảnh minh họa)
Ở Việt Nam chưa có trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 nào được ghi nhận cả ở người và gia cầm (Ảnh minh họa)



Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Sau thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nhà khoa học cảnh báo dịch cúm A/H7N9 đang có chiều hướng nguy hiểm, phức tạp do tính thích nghi cao của virus cúm A/H7N9 ở động vật có vú và tính liên tục biến đổi của virus cúm A/H7N9 có khả năng lây nhiễm từ gia cầm sang người cao hơn so với virus cúm A/H5N1, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gây nên một đại dịch”.

Hoạt động điều tra hiện nay vẫn đang được tiếp tục thực hiện nhằm xác định chính xác nguồn bệnh và phương thức lây truyền của virus cúm A/H7N9. Đến nay vẫn chưa có bằng chứng virus cúm A/H7N9 dễ dàng lây từ người sang người. Ở Việt Nam chưa có trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 nào được ghi nhận cả ở người và gia cầm.

Trước tình hình cúm A/H7N9 tiếp tục diễn biến nguy hiểm, và có nguy cơ xâm nhập, bùng phát tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường kiểm soát hoạt động mua bán gia cầm tại các khu vực biên giới. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức Nông lương (FAO) cũng đã tiến hành xét nghiệm hơn 500 mẫu bệnh phẩm trên gia cầm đã được lấy trước từ các chợ gia cầm sống và gà đẻ thải loại. Tất cả những mẫu xét nghiệm này đều cho kết quả âm tính với virus cúm A/H7N9. Để chắc chắn hơn về kết quả này, một chương trình giám sát đã được triển khai ở các tỉnh miền Bắc nhằm theo dõi virus cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm. Tại 60 chợ đầu mối và chợ gia cầm sống, 18.000 mẫu xét nghiệm cũng sẽ được thu thập từ các loại gia cầm. Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương sẽ tiến hành xét nghiệm các mẫu nhằm khẳng định hoặc loại trừ sự xuất hiện của chủng virus cúm A/H7N9. Chương trình này sẽ được bắt đầu từ tháng 5 và sẽ mở rộng nếu cần thiết.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ những bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã trực tiếp chỉ đạo Bộ Y tế, bộ Nông nghiệp và Phát triển nôn thôn cùng với tất cả các bộ ngành có liên quan, UBND các tỉnh triển khai quyết liệt các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh. Bộ Y tế đã phê chuẩn kế hoạch phòng chống theo các tình huống dịch bệnh, huy động hệ thống giám sát, hệ thống xét nghiệm, phát hiện sớm trường hợp lây nhiễm cúm A/H7N9 trên người cũng như trên gia cầm ở Việt Nam. Đồng thời tăng cường phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm cúm A/H7N9 tại các cửa khẩu quốc tế, xây dựng quy trình giám sát, phác đồ điều trị, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực sẵn sàng để triển khai công tác giám sát tại cộng đồng; cách ly, thu dung, điều trị xử lý triệt để từng ca bệnh, không để dịch bùng phát; ngăn chặn những tình huống ban đầu nhằm giảm  thiểu tối đa những tổn thất gây nên của dịch bệnh.

Tại hội nghị, Bộ Y tế cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông kêu gọi các tổ chức quốc tế giúp đỡ và huy động nguồn lực nhằm bảo đảm phát hiện sớm và phòng chống virus cúm AH7N9, hạn chế sự lây lan và giảm thiểu những ảnh hưởng của bệnh dịch đối với cả con người lẫn gia cầm tại Việt Nam./.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người dân tăng cường áp dụng các biện pháp phòng bệnh như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng thực phẩm từ gia cầm phải có nguồn gốc rõ ràng, được nấu chín, hạn chế tiếp xúc với gia cầm hay với các bề mặt có thể bị nhiễm bẩn bởi chất thải hoặc máu của gia cầm; che miệng khi ho.

Các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 thường có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp, tiến triển nhanh, nguy kịch. Do đó, những người có biểu hiện viêm đường hô hấp, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị và áp dụng các biện pháp cách ly một cách phù hợp, kịp thời.



CTV Kim Anh/VOV online


.