Cứu sống cô gái khi tim đã ngừng đập 20 phút

02:04, 13/04/2013
.

Theo lý thuyết, khi trái tim ngừng đập cũng đồng nghĩa với sự sống đã khép lại, tuy nhiên các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã giành lại sự sống từ tay tử thần cho một cô gái 27 tuổi khi tim đã ngừng đập tới 20 phút.

Ngày 12/4, bệnh viện Bạch Mai đã tiễn bệnh nhân Dương Thị Mai Mai (27 tuổi ở Hà Nội) ra viện sau 20 ngày điều trị chứng viêm cơ tim cấp, đã có biến chứng ngừng tim hoàn toàn trong khoảng 20 phút.

Trước đó, bệnh nhân Dương Thị Mai Mai sốt, đau mỏi người, mệt, đau ngực, khó thở. Bệnh nhân tự điều trị tại nhà bằng thuốc hạ sốt, sau 3 ngày vẫn thấy mệt mỏi, khó thở nhiều đã được khám tại Bệnh viện Bưu Điện, Hà Nội và được chẩn đoán viêm cơ tim cấp, chuyển đến đơn vị hồi sức tích cực (C1) Viện Tim Mạch, Bệnh viện Bạch Mai.

Lúc vào viện bệnh nhân ở trong tình trạng nguy kịch và chỉ sau 1 tiếng bệnh nhân xuất hiện khó thở nhiều, đau ngực, mất ý thức, mất mạch bẹn (mạch 0, huyết áp 0)…   Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, sốc điện 5 lần, đặt nội khí quản thở máy cho bệnh nhân. May mắn, sau khoảng 20 phút cấp cứu khẩn trương và tích cực, tim bệnh nhân đã đập trở lại.
 

 Dương Thị Mai Mai (giữa) đã khỏi căn bệnh viêm cơ tim cấp nguy hiểm và được ra viện.
Dương Thị Mai Mai (giữa) đã khỏi căn bệnh viêm cơ tim cấp nguy hiểm và được ra viện.


Điều làm các y bác sĩ lo lắng nhất là bệnh nhân ngừng tuần hoàn trong thời gian khá dài, có thể làm não bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí không hồi phục. Tuy nhiên, kết quả theo dõi và làm các test cho thấy bệnh nhân có đáp ứng với kích thích đau, không có dấu hiệu thiếu sót thần kinh đáng kể. Sau 7 ngày, sức khỏe Mai phục hồi tốt và có thể xuất viện.

Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim mạch, Viện Tim Mạch, Bệnh viện Bạch Mai, nơi điều trị bệnh nhân Mai cho biết, nếu không được cấp cứu tốt, ép tim để não sống trong suốt 20 phút thì dù sau đó có lắp tim phổi nhân tạo thì cũng vô ích, bệnh nhân rơi vào đời sống thực vật.

Viêm cơ tim tối cấp thường được biểu hiện bằng tình trạng khởi phát cấp tính với những biểu hiện suy sụp tuần hoàn nghiêm trọng, giảm chức năng co bóp cơ tim, rối loạn nhịp tim dẫn đến trụy mạch... Bệnh do nhiều nguyên nhân như các loại vi rút (cúm, coxsackie, rubella) hoặc vi khuẩn (thương hàn, sốt mò) hoặc nhiễm độc rượu, thủy ngân.... làm tổn thương tế bào cơ tim với tỉ lệ tử vong 50-70% nếu không được hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể.

Vì thế để tránh bỏ sót sẽ nguy hiểm tính mạng, những người có biểu như: cảm cúm (ho, khò khè, sổ mũi) kèm theo khó thở, đau ngực, da tái, chân tay lạnh, trẻ em bị rối loạn tiêu hóa với sốt cao, li bì, khó thở…. Với trẻ nhỏ bỏ bú, lười ăn, ngủ li bì khó đánh thức… cần đến cơ sở y tế khám để xác định nguyên nhân.
 


Thuỳ Minh/VnMedia


.