Cảnh giác cao với bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng

08:04, 11/04/2013
.

(QNĐT)- Đến hẹn lại lên, dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát trong những tháng hè sắp tới ở tỉnh ta. Do đó, ngành y tế đang nỗ lực phối hợp triển khai các biện pháp nhằm hạn chế các trường hợp mắc và tử vong gây ra bởi hai loại dịch bệnh này.

TIN LIÊN QUAN


Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2013, tỉnh ta ghi nhận 166 ca mắc tay chân miệng và 115 ca mắc sốt xuất huyết. Điều đáng nói là, số ca mắc bệnh đang tăng mạnh ở huyện Sơn Hà- địa phương miền núi vốn “miễn dịch” với hai dịch bệnh này những năm trước đây.

Dịch bệnh đang có chiều hướng giảm

Ông Hồ Minh Nên- Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cho biết: Qua kinh nghiệm là tỉnh có số ca mắc, tử vong do dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết cao trong cả nước, năm nay công tác phòng, chống dịch bệnh đã mang lại những kết quả tích cực. So với cùng kỳ năm ngoái, dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đang có chiều hướng giảm rõ rệt. Hiện tại, toàn tỉnh mới phát hiện 166 ca mắc tay chân miệng, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2012.

Không chỉ giảm về số lượng, mức độ bệnh cũng đang giảm rõ rệt. “Số ca mắc bệnh tay chân miệng ở mức độ 2B trở lên cũng thấp hơn so với năm 2012. Đặc biệt là đến thời điểm hiện tại, ngành y tế vẫn chưa phát hiện chủng EV 71- chủng vi rút có độc lực cao ở tỉnh ta. Dịch bệnh sốt xuất huyết cũng chưa bùng phát mạnh với mức độ mắc bệnh rất nhẹ.”

 

Hiện số ca bệnh mắc tay chân miệng và sốt xuất huyết đang có chiều hướng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước
Hiện số ca bệnh mắc tay chân miệng và sốt xuất huyết đang có chiều hướng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước


Ghi nhận tại Khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, số bệnh nhi mắc hai loại bệnh này  nằm điều trị nội trú cũng giảm đáng kể. Bác sĩ Trần Đình Điệp- Khoa Nhi cho hay: Theo dự báo, đây là thời điểm dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết bước vào thời gian đỉnh điểm. Mọi năm, Khoa Nhi luôn huy động khoảng 8 phòng với 32 giường cho khu vực cách ly để điều trị cho 60-70 bệnh nhi mắc tay chân miệng và sốt xuất huyết mỗi ngày.

“Thế nhưng, năm nay có sự thay đổi tích cực, mỗi ngày chúng tôi chỉ tiếp nhận khoảng 5-10 bệnh nhi vào nằm điều trị trong khu cách ly gồm 4 phòng với 16 giường bệnh”- Bác sĩ Điệp tiếp lời.

Có được kết quả đáng mừng như vậy là nhờ vào hiệu quả tổng hợp của nhiều biện pháp kết hợp tại cơ sở. Thông điệp phòng, chống bệnh tại cơ sở được chuyển tải liên tục qua các phương tiện truyền thông đại chúng đã giúp người dân có nhận thức đúng đắn hơn về dịch bệnh. Bên cạnh đó, hệ thống phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ tư nhân cũng được củng cố rõ rệt…

Vẫn phải cảnh giác cao độ

Trước tình hình bệnh dịch đang có xu hướng giảm, ngành y tế khuyến cáo mọi người vẫn không thể lơ là, mất cảnh giác, tránh tình trạng bệnh bùng phát bất ngờ, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Hồ Minh Nên cho biết: Virut gây bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết luôn tồn tại trong cộng đồng. Hơn nữa hai loại bệnh này là bệnh truyền nhiễm có sức lây lan mạnh. Do đó, dù đang diễn biến chậm, nhưng nếu gặp điều kiện thuận lợi bệnh sẽ bùng phát mạnh mẽ một cách nhanh chóng. Nhất là với thời tiết nắng mưa thất thường như hiện nay, bệnh tay chân miệng sẽ có nguy cơ tăng mạnh.

Hiện tại, cả hai loại bệnh này vẫn tập trung ở các huyện đồng bằng có mật độ dân cư cao như: TP.Quảng Ngãi, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa. Đặc biệt, bệnh đang có chiều hướng lây lan mạnh ở huyện miền núi Sơn Hà. Nguyên nhân xuất hiện nhiều ca bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tại địa phương này chủ yếu là do ý thức vệ sinh môi trường, khu vực nhà ở của người dân còn kém.

 

Cần triển khai tích cực các biện pháp phòng, chống bệnh như vệ sinh môi trường, nâng cao ý thức người dân để phòng ngừa dịch bệnh bùng phát mạnh trong thời gian tới
Cần triển khai tích cực các biện pháp phòng, chống bệnh như vệ sinh môi trường, nâng cao ý thức người dân để phòng ngừa dịch bệnh bùng phát mạnh trong thời gian tới


Ngoài ra, nhận thức của phụ huynh trong việc quan tâm đến sức khỏe, nhận biết dấu hiệu mắc bệnh ban đầu của trẻ chưa đúng mức. Công tác tuyên truyền tới cơ sở, đồng bào H’re còn hạn chế, khiến cho virut bệnh tay chân miệng và vec-tơ gây bệnh sốt xuất huyết (muỗi) có điều kiện phát triển, lây lan.

Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với Trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm những địa phương có nguy cơ bùng phát dịch bệnh để có kế hoạch xử lý kịp thời, đặc biệt là các ổ dịch nhỏ, khống chế không để lây lan thành dịch lớn.

Riêng đối với bệnh sốt xuất huyết, theo dự báo năm 2013 sẽ là năm bệnh bùng phát mạnh (theo chu kỳ 3-5 năm), chủ yếu rơi vào hai giai đoạn: từ tháng 4-6 và tháng 9-11. Do vậy, từ cuối năm 2012, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã có kế hoạch phòng, chống bệnh ở từng địa phương cụ thể.

Cuối tháng 3 vừa qua, ngành y tế tỉnh đã cử đoàn đến khảo sát, điều tra chỉ số vec-tơ gây bệnh sốt xuất huyết tại cộng đồng. Ngay sau đó, đã yêu cầu các địa phương ở đồng bằng có nguy cơ bùng phát bệnh cao như: Tư Nghĩa, Lý Sơn, Sơn Tịnh… khẩn trương dọn vệ sinh môi trường tiêu diệt lăn quăn, bọ gậy để phòng chống bệnh.

Bác sĩ Trần Đình Điệp khuyến cáo: Để hạn chế số ca mắc và tử vong ở cả hai loại bệnh truyền nhiễm tay chân miệng và sốt xuất huyết, người dân cần theo dõi những dấu hiệu bệnh sớm như: sốt liên tiếp, xuất hiện các đốm nhỏ, lở loét da, chán ăn… và sớm đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để khám và được tư vấn kịp thời.
 

 

Bài, ảnh: Thanh Phương
 

 


.