Ở trọ chờ… sinh con

09:11, 08/11/2012
.

(QNĐT)- Dù hoàn cảnh gia đình khá giả hay nhà nghèo, trước ngày sinh con, phụ nữ huyện đảo Lý Sơn đành chấp nhận cảnh cơ cực vượt sóng vào đất liền trước khoảng hai tuần, thuê nhà trọ ở chờ đến ngày 'vượt cạn'.

 

TIN LIÊN QUAN


* 5 năm sáu lần đưa con đi “vượt cạn”

Nhiều năm qua, một số nhà nghỉ, nhà trọ bình dân ở gần khu vực trung tâm TP Quảng Ngãi trở thành "mái ấm" thân thuộc với hàng nghìn sản phụ quê ở huyện đảo Lý Sơn lưu trú chờ đến ngày vào viện sinh con. Đùm túm đủ thứ vật dụng nào là thau, xô, phích nước và cả tả lót, quần áo trẻ sơ sinh mới mua từ chợ về, bà Võ Thị Tỵ (quê xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) sắp xếp ngăn nắp trong phòng trọ nép mình trong hẻm phố sâu.

Để tiết kiệm chi phí tiền thuê trọ, nhiều sản phụ ở huyện đảo Lý Sơn phải kê giường ở phòng trọ sát với nhau để nằm ngủ, sinh hoạt.
Để tiết kiệm chi phí tiền thuê trọ, nhiều sản phụ ở huyện đảo Lý Sơn phải kê giường ở phòng trọ sát với nhau để nằm ngủ, sinh hoạt.


"Còn 10 ngày nữa con gái tôi mới trở dạ nhưng sợ tiết trời biển động nên phải đi tàu vượt biển vào đất liền sớm. Sáng nay, tranh thủ xuống chợ, tui mua một số vật dụng cần thiết, sẵn sàng mọi thứ cho ngày đứa cháu ra đời". Bà Tỵ vui vẻ nói.  5 năm qua, bà Tỵ đã lần lượt đưa năm người con gái và một con dâu vượt sóng rời đảo Lý Sơn vào đất liền "vượt cạn".  

Chị Phạm thị Lành (22 tuổi, con gái bà Tỵ) tâm sự: "Còn lâu mới đến ngày sinh nhưng mẹ bảo em phải vào đất liền sớm để kẻo sóng gió lớn, tàu bè không đi được, lỡ "trục trặc" gì thì khổ thân". Lúc đó có tiền tỷ thuê tàu cao tốc cũng không ai dám vượt sóng dữ mà đi". Chị Lành giải thích.   
 
Bước vào khách sạn 502 nằm sâu trong con hẻm đường Hùng Vương, người đi đường thấy có nhiều sản phụ đi lại trên hành lang, ai cũng tỏ vẻ ngạc nhiên, ngỡ là trung tâm phụ sản. Bà Phùng Thị Thủy, phụ trách khách sạn 502 xác nhận, từ lâu, đơn vị đã bố trí hẳn bốn phòng dành riêng cho các sản phụ cùng gia đình của họ từ đảo Lý Sơn vào ở chờ đến ngày vào viện. Lúc cao điểm, mỗi phòng có đến 5 sản phụ, phải kê sát ba giường lại với nhau mới nằm đủ. Riêng người nhà phải trải chiếu hoặc nằm võng bên cạnh.

"Thấu hiểu hoàn cảnh cách trở của các sản phụ ở đảo Lý Sơn nên chúng tôi chỉ thu 40.000 đồng/người mỗi ngày đêm. Thường thì vào mùa đông, chị em phụ nữ ở đảo Lý Sơn vào đất liền trước có khi cả tháng còn mùa hè thì vào trước ngày sinh khoảng 10 ngày". Bà Thủy cho biết.

Chồng làm thuê tận tỉnh Đồng Nai không về được, gia cảnh nghèo khó, chị Trương Thị Kim Đức ở xã An Hải phải chạy vạy mượn bà con 7 triệu đồng, tự mình gói ghém đồ đạc vào đất liền chờ đến ngày sinh con đầu lòng. " Không có nhiều tiền như người ta nên một mình tôi vào đất liền thuê nhà trọ ở, chờ đến ngày vào viện mới điện thoại nhờ người thân từ đảo Lý Sơn vào chăm sóc". Chị Đức thổ lộ.

* Mất hơn 10 triệu đồng cho… một lần sinh con

Từ phòng khám trở về nhà trọ, sản phụ Dương Thị Kim Anh quê ở xã An Hải nặng trĩu âu lo vì hơn 2 tuần nữa mới đến ngày sinh. Chị nhẩm tính, tiền ở nhà nghỉ bình dân mỗi ngày cả hai vợ chồng tốn 80.000 đồng, còn ăn, uống dè sẻn đến mấy cũng mất 150.000 đồng nữa. "Vợ chồng tôi mang theo 10 triệu đồng rời đảo Lý Sơn vào đây ở trọ đã 10 ngày rồi. Giờ nghe bác sỹ dự đoán hơn 2 tuần nữa mới sinh con nên e rằng khoản tiền này bị thiếu trước, hụt sau". Chị Anh lo lắng.

Ở huyện đảo Lý Sơn, có không ít trường hợp sản phụ đến lúc nhập viện gặp ca sinh khó đã chạy đôn, chạy đáo vay mượn 18 triệu đồng thuê chiếc tàu cao tốc chở cấp cứu từ đảo vào bờ. (Chưa kể tốn thêm khoản tiền thuê xe cấp cứu hoặc taxi chở từ bến cảng Sa Kỳ đến bệnh viện đa khoa tỉnh để sinh nở).

Bà Võ Thị Nguyệt lý giải thêm, may mắn trong trường hợp nguy cấp ấy "trời yên, biển lặng" thì thuê tàu cao tốc đi được, còn gặp mùa giông bão thì dễ nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy mà càng ngày càng có nhiều sản phụ ở huyện đảo này phải vào đất liền trước ngày sinh thời gian dự phòng dài như vậy.

Về vấn đề này, bà Phạm Thị Thu- Giám đốc Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện đảo Lý Sơn nhìn nhận, có hơn 70% phụ nữ ở huyện đảo phải vào đất liền ở trọ có khi trước cả tháng trời đợi đến ngày sinh con với chi phí quá đắt đỏ. Mặc dù huyện có Bệnh viện Quân-Dân y thế nhưng do thiếu y, bác sĩ và trang thiết bị y tế nên tâm lý người dân còn e ngại sợ lúc sinh nở không may gặp "sự cố" thì trở tay không kịp. "Đây là thực trạng của huyện đảo diễn ra từ nhiều năm qua nhưng địa phương chưa có cách nào khác để giữ chân họ ở lại sinh đẻ tại quê nhà"- Bà Thu nói.


Minh Thu

 


.