Bài thuốc từ cỏ bấc đèn

09:11, 12/11/2012
.

Cỏ bấc đèn hay còn gọi là đăng tâm thảo, bấc, hổ tu thảo, bích ngọc thảo, tịch thảo, xích tu, cổ ất tâm... Là cây thảo, cao 0,5 - 1m, ruột cây bấc cấu tạo bởi những tế bào hình ngôi sao để hở nhiều lỗ khuyết lớn. Cây có thân rễ tròn cứng, mọc thành cụm dày, không có lá, có ruột xốp từ gốc tới ngọn. Hoa đều, mọc thành vòng, màu lục nhạt. Quả nang, hạt nhỏ. Cây ra hoa vào đầu mùa hạ. Cây mọc hoang và được trồng ở những nơi ẩm ướt.

 

 Cỏ bấc đèn.
Cỏ bấc đèn.



Bộ phận được sử dụng làm thuốc là ruột phơi khô của thân cây bấc đèn (thường gọi là đăng tâm thảo). Mùa thu cắt toàn cây về, rạch dọc để lấy lõi riêng ra, bó thành từng bó, phơi khô. Dược liệu hình trụ tròn nhỏ, đường kính 0,1 - 0,3 cm, dài khoảng 90 cm, màu trắng hoặc vàng nhạt, có vân dọc nhỏ. Không mùi vị.

Cỏ bấc đèn có vị ngọt, tính hàn, vào ba kinh tâm, phế và tiểu trương. Dùng chữa tiểu tiện khó khăn, tâm phiền mất ngủ, mụn nhọt. Theo kinh nghiệm dân gian bấc đèn được sử dụng làm thuốc thông tiểu tiện, chữa sốt, an thần, mất ngủ, chữa ho, viêm họng…

Bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian

- Cầm máu (bị thương nhẹ): Đăng tâm thảo, nhai (hoặc giã) nhỏ đắp vào nơi vết thương.

- Chữa khó ngủ: Đăng tâm thảo 2g, cho 400ml nước, đun nhỏ lửa còn 100ml, uống thay trà hàng ngày. Mỗi liệu trình 15 ngày.

 Rễ cỏ bấc đèn.
Rễ cỏ bấc đèn.



Nếu mất ngủ, người bứt rứt, miệng khát có thể dùng bài thuốc sau: Đăng tâm thảo 3g, đạm trúc diệp 9g, hãm với nước uống thay trà hàng ngày.

- Chữa tiểu đỏ, tiểu gắt: Đăng tâm thảo 9g, xa tiền tử, biển súc, hoàng bá mỗi thứ 9g, mộc thông, hoạt thạch mỗi 6g. Tất cả rửa sạch cho 800ml nước, đun nhỏ còn 250ml, chia 3 lần uống trong ngày. Uống liền 10 ngày.


Kiêng kỵ: Do vị thuốc có tính hàn nên người thể hư, trúng hàn, tiểu tiện không kìm được không dùng. Vì vậy, để sử dụng bài thuốc an toàn hiệu quả cần theo hướng dẫn của các lương y hoặc đến cơ sở đông y bắt mạch kê đơn.   


Theo Lương y Trần Bá (SK&ĐS)


 


.