Đừng xem thường dậy thì sớm ở trẻ em

03:08, 19/08/2012
.

(QNĐT)- Người xưa bảo rằng: “Nữ thập tam, Nam thập lục”, nghĩa là tuổi dậy thì ở nam là 16, còn nữ là 13. Tuy nhiên, do sự tác động của nhiều yếu tố mà hiện nay, trẻ dậy thì sớm hơn rất nhiều so với cái tuổi mà ông bà ta vẫn thường gọi…

Dậy thì sớm là hiện tượng mà chức năng tuyến sinh dục của trẻ bị “đánh thức” trước tuổi. Nó được ví như “người đàn ông, đàn bà trong hình hài của một đứa trẻ”. Và hậu quả của tình trạng “đi trước một bước” này là nó kiềm chế sự phát triển về thể trạng cũng như ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý sau này của trẻ…

*“Dậy thì sớm: Chưa bao giờ nghĩ đến”

Đó là suy nghĩ chung của hầu hết các ông bố, bà mẹ khi tôi đề cập đến vấn đề dậy thì sớm ở trẻ. Thậm chí các bậc phụ huynh còn rất phấn khởi khi con mình chỉ mới 5, 6 tuổi nhưng đã có thân hình mà những đứa trẻ lên 10 phải mơ ước!

Bố mẹ cần quan tâm và theo dõi những thay đổi bất thường của trẻ, đảm bảo cho trẻ  phát triển hài hòa về tâm sinh lý theo đúng độ tuổi. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ.
Bố mẹ cần quan tâm và theo dõi những thay đổi bất thường của trẻ, đảm bảo cho trẻ phát triển hài hòa về tâm sinh lý theo đúng độ tuổi. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ.


Chị H.T.H. (Mộ Đức) không cảm thấy bất ngờ hay lo lắng khi cô con gái chưa kịp bước vào lớp 1 mà đã phổng phao chẳng khác nào một nữ sinh với chiều cao 120 cm, cân nặng vượt mức 35 kg. Thậm chí việc cô bé xuất hiện những hiện tượng bất thường cũng không khiến chị H. bận tâm vì “cháu khỏe, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng nên các bộ phận trên cơ thể phát triển cũng là chuyện... bình thường!”.

Còn chị Đ.T.N. cũng thoáng chút lo âu khi cô con gái mới 9 tuổi đã xuất hiện kinh nguyệt. Nhưng rồi nỗi bận tâm ấy cũng nhanh chóng trôi qua vì “đó là thay đổi tuân theo quy luật tự nhiên của các bé gái”.

Chị N. cũng tiết lộ rằng việc con gái mình có kinh nguyệt ở cái tuổi ấy là vẫn còn... chậm so với các bạn, bởi nhiều bé xuất hiện triệu chứng báo hiệu “người lớn” lần đầu khi chỉ mới 6, 7 tuổi.  

Nếu như tuyến vú to bất thường và có kinh nguyệt trước 9 tuổi là dấu hiệu “tố cáo” bé gái dậy thì sớm, thì ở các em trai, hiện tượng này đánh dấu sự xuất hiện của cơ bắp, ria mép hay lông nách, chiều cao và cân nặng tỷ lệ nghịch với tuổi; hay “bể” giọng khi chưa được 10 tuổi.

Nhiều cháu đang học lớp 4, lớp 5 nhưng thân hình cao lớn, vạm vỡ và giọng nói ồm ồm chẳng khác nào một thanh niên trưởng thành. Tuy nhiên, sự phát triển có tính bất thường ấy của trẻ lại không được bố mẹ chú ý. Thậm chí họ còn cho rằng, đó là sự biến đổi theo chiều hướng tích cực nên cũng không đưa con đến bác sĩ thăm khám. Lý giải điều này, bác sĩ Đàm Phi Long, Trưởng khoa Nam học, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh (CSSKSS) cho rằng: “Nguyên nhân chính là vì người dân chưa biết gì về hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ. Thế nên họ cũng không biết rằng, cùng với sự thay đổi đột ngột về hình dáng thì các bộ phận sinh dục và tâm sinh lý của trẻ cũng sẽ “lớn” theo, khiến cho chức năng sinh dục bị “đánh thức” trước tuổi”.

Cũng theo bác sĩ Long thì với các bé gái, việc nhận biết dậy thì sớm có vẻ dễ dàng hơn vì ngoài những đặc điểm bên ngoài còn có sự xuất hiện của kinh nguyệt. Còn với bé trai, nếu bố mẹ không đặc biệt quan tâm thì rất khó nhận biết vì nó liên quan đến hoạt động của cơ quan sinh dục, đó là hiện tượng xuất tinh.

*Hậu quả lớn

Tôi đã từng tận mắt chứng kiến cảnh một “thanh niên” cao to, phong độ, thích chọc nghẹo và đụng chạm vào người của bạn khác giới. Nhưng nếu không được đứa cháu tiết lộ rằng, đó là bạn học chung lớp, thì chắc tôi cũng chẳng thể tin được, cậu nhóc ấy chỉ mới... 9 tuổi!
 

Dậy thì sớm có hai loại: Dậy thì sớm thật và dậy thì sớm giả. Dậy thì sớm thật có sự kích hoạt của não hoặc do biến đổi nồng độ nội tiết từ mẹ sang con. Còn dậy thì sớm giả là do nhiều nguyên nhân như: Hội chứng tăng sản thượng thận bẩm sinh, u nang buồng trứng (gái), u tinh hoàn (trai), nguồn thức ăn hay môi trường sống... Đặc biệt là phim, tranh ảnh (kích thích tâm sinh lý) và thức ăn (do tồn dư lượng thuốc kích thích tăng trưởng) đang là nghi can số một gây ra chứng dậy thì sớm ở trẻ.

Hay như N.T.B. (Nghĩa Hành) chỉ mới 9 tuổi nhưng cao to, tu rượu bia như... nước lã và đặc biệt là đã biết... yêu! Giải thích hiện tượng này, Trưởng khoa Nam học, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh (CSSKSS) Đàm Phi Long cho rằng: “Những trường hợp trên có thể bị tác động của nhiều yếu tố nhưng đã có sự góp sức của chứng dậy thì sớm”. Bởi theo bác sĩ Long, thì khi trẻ dậy thì, các bộ phận sinh dục sẽ phát triển và kéo theo nhu cầu về sinh lý. Do đó, nếu trẻ mắc chứng dậy thì sớm thì sinh lý bị kích thích mạnh mẽ trong khi tâm lý chưa hoàn thiện.

Điều này dễ khiến trẻ tò mò, không kiểm soát được những hành vi của mình. Mặt khác, trẻ bị dậy thì sớm thì chiều cao của chúng sẽ phải dậm chân tại chỗ ở tuổi trưởng thành. Nguyên nhân là do hóc môn sinh dục kích thích sự phát triển của xương khiến cho các đầu xương bị cốt hóa sớm, không còn sụn để xương tiếp tục “dài” ra.

Hậu quả của dậy thì sớm đã rõ, nhưng dường như vấn đề này chưa nhận được sự quan tâm của các bậc cha mẹ cũng như cộng đồng xã hội. Bằng chứng là hầu như các cơ sở y tế trong tỉnh đều vắng bóng những bệnh nhân đặc biệt này. Thậm chí Trung tâm CSSKSS tỉnh, đơn vị có chức năng tư vấn, khám và điều trị dậy thì sớm cũng chưa xuất hiện ông bố bà mẹ nào đưa con đến kiểm tra dù thực tế, rất nhiều trẻ đã có dấu hiệu mắc phải.

Theo bác sĩ Đàm Phi Long nếu không có giải pháp kiểm soát thì dậy thì sớm sẽ trở thành vấn nạn lớn của xã hội. Bởi nó không chỉ quyết định đến tình trạng sức khỏe và hình thành nhân cách của trẻ, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì nòi giống. “Do đó, việc đầu tiên là phải giúp các bậc phụ huynh hiểu về tác hại chứng bệnh này để họ có hướng giám sát và xử lý khi phát hiện những dấu hiệu có liên quan đến hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ”, bác sĩ Long khẳng định.


                                        Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.