Ở một cơ sở khám chữa bệnh từ thiện

09:03, 07/03/2012
.

(QNg)- Tịnh xá Ngọc Quảng đường Nguyễn Nghiêm (TP Quảng Ngãi) là địa chỉ quen thuộc với người dân một số địa phương trong tỉnh. Đây không chỉ nơi tu hành trang nghiêm của một hệ phái Ni giới Khất sĩ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Ni trưởng Thích Nữ Phát Liên trụ trì mà còn là nơi có bề dày về công tác từ thiện, một việc làm thường xuyên của Tịnh xá.

Mỗi năm vài ba lần, Tịnh xá tổ chức đi phát quà cho dân ở các huyện miền núi, các xã vùng sâu, vùng xa. Riêng năm 2011 đã huy động gần 500 triệu đồng cho công tác từ thiện này. Ngoài việc phát quà còn tổ chức đoàn cán bộ y tế gồm các bác sĩ, lương y trực tiếp khám chữa bệnh, cấp miễn phí cho dân, tạo được tình cảm đặc biệt giữa Tịnh xá và bà con địa phương.

Ni trưởng Thích Nữ Phát Liên tâm sự: "Là người tu hành, thấy dân mình, nhất là bà con miền núi, vùng nông thôn hẻo lánh còn nhiều khó khăn đã thôi thúc chúng tôi làm việc gì đó để giúp đỡ bà con".

Nhiều người dân ở Quảng Ngãi biết nhiều về Tịnh xá Ngọc Quảng không chỉ qua những lần phát quà từ thiện mà họ còn đến đây, một cơ sở khám chữa bệnh miễn phí cho mọi người có nhu cầu. Ngoài số bà con nghèo còn có nhiều người bệnh là người dân tại thành phố, ở các huyện và có cả một số cán bộ đương chức, hưu trí... Cơ sở khám chữa bệnh của Tịnh xá mang tên "Tuệ tĩnh đường Từ tâm"  nằm trong khuôn viên của chùa.

Cơ sở khám chữa bệnh này được thành lập từ tháng 4/2006. Sau gần 6 năm hoạt động đã có hơn 1 vạn lượt người đến khám bệnh, được kê đơn, bốc thuốc, hàng ngàn người được điều trị tại chỗ với phương pháp Đông Tây y kết hợp. Trong năm 2011 đã có hơn 3.400 lượt người đến khám, có gần 1.300 người được điều trị tại chỗ, chủ yếu là các bệnh thông thường như đau thần kinh cổ, đau vai gáy, thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa, cảm cúm, đau khớp gối, hệ tuần hoàn, thần kinh ngoại biên, di chứng tổn thương não...

Bà Lê Việt ở huyện Nghĩa Hành, ông Nguyễn Minh Châu ở xã Tịnh Sơn (Sơn  Tịnh) bị tai biến méo miệng, qua một thời gian điều trị đã hồi phục 100%. Bà Phạm Thị Kim Cúc (51 tuổi) ở phường Quảng Phú bị khớp sống cổ đến đây châm cứu 2 tuần đã bớt 80%. Ông Nguyễn Duy Nghĩa ở phường Lê Hồng Phong (TP Quảng Ngãi) bị di chứng tai biến suốt 5 năm dẫn đến tê bại nửa thân trái đã đến bấm nguyệt, châm cứu. Trong niềm xúc động, ông Nghĩa nói lên sự biết ơn của mình đối với cơ sở chữa bệnh này, nhờ các thầy thuốc mà sức khỏe của ông trở lại bình thường. Còn nhiều người bệnh mà người viết bài này đã gặp tại "Tuệ tĩnh đường Từ tâm" họ đều nói lên lời biết ơn và cầu mong cơ sở khám bệnh này luôn phát triển để góp phần giảm tải tại các bệnh viện, trạm xá, nhất là những bệnh thông thường nhưng phải điều trị dài ngày.

Bác sĩ Lê Dũng - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Quảng Ngãi đã có mặt từ khi phòng khám khai trương cho đến nay. Cùng với bác sĩ Dũng còn có một số bác sĩ khác đều là những bác sĩ có tay nghề cao, làm việc ở bệnh viện của tỉnh, sau khi nghỉ hưu đã cùng đến đây làm việc "thiện". Ngoài ra còn có các lương y Bùi Văn Hương, Vương Phúc Gia, Nguyễn Công Tấn cũng là những thầy thuốc lớn tuổi đã tự nguyện đi làm từ thiện tại cơ sở khám chữa bệnh này.

Tuy quy mô còn khiêm tốn nhưng là một cơ sở y tế mang tính xã hội hóa, tạo ấn lượng tốt cho người đến khám và điều trị. Để có được cơ ngơi này, ngoài công lao của Ni trưởng không thể không nói đến sự nhiệt tình và cái "tâm" vì cộng đồng của Sư cô Thích Nữ Liên Nhàn một nữ tu cũng là một y sĩ.

Những việc làm tốt, thể hiện sự bình dị nhưng rất cao quý đáng được phát huy vì ngoài việc tu hành nhà chùa còn lo cho dân, cho người nghèo. Thuốc men là sự đóng góp của phật tử, của nhà hảo tâm; chuyên môn nghiệp vụ là của các thầy thuốc, không ai nghĩ đến cái "riêng" của mình mà chỉ muốn đóng góp nhiều cho cộng đồng. "Từ tâm" đồng nghĩa với lòng nhân ái, từ đó Tịnh xá đã kiên định được mục tiêu hành đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra, đó là "Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội".


Vũ Tùng Vi
 


.