An toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi

08:07, 14/07/2011
.

(QNg)-  Trong những năm gần đây, sự bùng phát của dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản đã gây nhiều thiệt hại cho nông dân, gây tâm lý bất an đối với người tiêu dùng. Do đó đòi hỏi phải có những thay đổi về hình thức chăn nuôi, nhằm đảm bảo ngăn ngừa mầm bệnh lưu tồn, lây lan trong môi trường. 

Theo Sở NN-PTNT, tổng đàn gia súc của Quảng Ngãi hiện có 836.865 con (57.035 trâu; 279.364 bò,  500.466 lợn); đàn gia cầm có 3,3 triệu con. Mặc dù cuối năm 2010 và đầu năm 2011, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phát sinh dịch lở mồm, long móng trên đàn gia súc, dịch bệnh gia cầm, nhưng được sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự  nỗ lực của ngành nông nghiệp và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch, nên đã khống chế và dập tắt được dịch. Kết quả đàn gia súc, gia cầm vẫn ổn định và có phần tăng nhẹ so với năm 2010, đàn trâu tăng 0,9%, đàn bò tăng 0,4%, đàn gia cầm tăng 8%, riêng đàn lợn giảm 1,6%.
 
Xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học Bioga, đã góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
Xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học Bioga, đã góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...

Chi cục Quản lý chất lượng nông- lâm- thủy sản cho biết: Để quản lý số lượng gia súc gia cầm trong chăn nuôi được an toàn, Chi cục đã triển khai các quy định của Nhà nước trong việc quản lý giống vật nuôi, quản lý cơ sở ấp nở, sử dụng thuốc thú y, môi trường (nơi chăn nuôi gia súc, gia cầm qui mô trang trại) và thức ăn chăn nuôi an toàn sinh học.
 
Thời gian qua, ngành nông nghiệp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho người dân; tổ chức các đợt tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra các hoạt động trong mọi lĩnh vực liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện và nhân rộng mô hình các quy trình sản xuất an toàn như VietGAP (áp dụng cho rau, quả và chè an toàn), GAP/CoC (áp dụng trong nuôi trồng thủy sản), VietGAHP (áp dụng trong chăn nuôi lợn, gà, bò sữa và ong), đầu tư nâng cao cải tiến hệ thống giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp.
 
Ngành quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất (chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản) tập trung để quản lý và kiểm soát điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất; áp dụng chương trình quản lý an toàn thực phẩm từ trang trại tới bàn ăn.

Để xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, ngành nông nghiệp hỗ trợ, hướng dẫn và khuyến khích người chăn nuôi sử dụng công nghệ khí sinh học biogas. Việc xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải từ chăn nuôi là biện pháp mang lại tác dụng lớn. Chất thải sau khi đưa vào bể chứa được phân hủy hết, giảm mùi hôi, ký sinh trùng hầu như bị tiêu diệt. Nhiều hộ nông dân tham gia xây dựng hầm biogas vì nhận thấy tiện ích của nó là tái tạo được nguồn năng lượng sạch phục vụ đun nấu, thắp sáng.

Qua các lớp tập huấn và những mô hình thực tiễn, đã tác động tích cực đến ý thức nhân dân trong quá trình chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn. Tuy nhiên để vấn đề VSATTP, trong chăn nuôi được triệt để có rất nhiều yếu tố: Môi trường ô nhiễm (theo đó sẽ ô nhiễm vào nông sản và vật nuôi và tồn dư trong thực phẩm); cơ sở vật chất, quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, không đồng bộ, không được cải tiến đáp ứng điều kiện vệ sinh (sẽ dẫn đến ô nhiễm thực phẩm); con người còn thiếu ý thức, trách nhiệm, không chấp hành các quy định về vệ sinh cá nhân, có những hủ tục lạc hậu trong ăn uống hoặc vì lợi nhuận mà sử dụng phụ gia, chất bảo quản ngoài danh mục của Bộ Y tế ban hành trong sản xuất, bảo quản, chế biến thực phẩm cũng gây ô nhiễm vào thực phẩm.

Vì vậy để vấn đề VSATTP được an toàn trong chăn nuôi, thì người chăn nuôi phải có ý thức, trách nhiệm với sản phẩm do mình làm ra; không sử dụng các loại kháng sinh, chất tăng trọng; các hóa chất cấm dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng, cũng như trong bảo quản chế biến sản phẩm nông nghiệp; không được lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật; tuân thủ các quy định bón phân vô cơ trong quá trình trồng trọt nhằm đạt mục đích đó nền sản xuất sạch và bền vững.    

                 PV

.