Sự thật bất ngờ về tác dụng của mật gấu

08:11, 24/11/2010
.

Mặc dù gần ¼ số người được hỏi nhận rằng từng sử dụng mật gấu, nhưng sự thật tác dụng của mật gấu như thế nào thì họ lại rất mơ hồ, không dựa trên cơ sở khoa học nào…
 
Giống như người Trung Quốc, người Việt Nam hay có quan niệm “ăn gì, bổ nấy”. Ví dụ như ăn chân gà thì khỏe chân hơn, chạy nhanh hơn, hoặc ăn thịt và các sản phẩm chế biến từ động vật hoang dã sẽ mang lại sức mạnh giống như động vật trong tự nhiên. Chính vì thế, nhu cầu tiêu thụ các động vật lớn và dũng mãnh như hổ, gấu là rất lớn.
 
 
 
Khảo sát của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đối với 3.032 người từ ba thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, có tới 22% người thừa nhận đã từng sử dụng mật gấu. 
 
Theo đó, có đến 73% số người sử dụng để chữa một bệnh cụ thể nào đó, 24% dùng để bồi bổ sức khỏe và 14% để giải trí. Điều đáng nói là người ta chỉ dùng nó theo… lời đồn đoán chứ không hề biết rõ nó có tác dụng thật hay không. Số người cho biết chưa sử dụng mất gấu chỉ là do… chưa có nhu cầu mà thôi.
 
Mật gấu được sử dụng như vị thuốc đông ty từ khoảng hơn 3000 năm nay và thường được sử dụng để chữa một số bệnh như gan, bỏng, sốt, chảy máu trong, loét dạ dày… Ngày nay, rất nhiều người Việt Nam vẫn còn tin rằng mật gấu là phương thuốc thần kỳ có thể chữa được bách bệnh, từ những căn bệnh thông thường như các vết bầm tím, đau bụng, bệnh về đường tiêu hóa cho đến những bệnh nan y như ung thư.
 
Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho thấy, trong thiên nhiên có rất nhiều cây dược liệu có tác dụng tương tự như mật gấu, hay nói cách khác, mật gấu chỉ có tác dụng như một số cây thuốc thông dụng (ví dụ như cây mật gấu) mà thôi.
 
Mặt khác, sử dụng mật gấu còn có nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe. Ví như uống quá nhiều rượu mật gấu có thể hại gan, sinh bệnh, hay nguy cơ mất an toàn do quá trình hút mật. “Nếu ai đã chứng kiến quá trình hút mật gấu thì sẽ thấy nó cực kỳ mất vệ sinh. Do việc chích hút mật gấu diễn ra quá thưòng xuyên, gây nhiễm trùng cho gấu nên trong lúc hút mật thường hút lẫn cả máu, mủ… của con gấu” – bà Hà Cẩm Tâm – Cán bộ Tư vấn, Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới (WSPA) cho biết.
 
Theo ông Chris Gee – Giám đốc Chương trình Động vật hoang dã quốc tế, Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới (WSPA), sắp tới đây, một báo cáo về kết quả nghiên cứu những loại dược liệu có tác dụng tương tự, có thể giúp những ai ưa chuộng sản phẩm mật gấu dùng để thay thế, sẽ được công bố.
 
“Chúng tôi hy vọng rằng, việc có các sản phẩm thay thế mật gấu sẽ là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ loài gấu khỏi nguy cơ tiệt chủng” - bà Vũ Thị Quyên - Giám đốc sáng lập Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) nói.
 
Theo VnMedia

.