Trạm chuẩn “vắng” bác sĩ

09:08, 31/08/2010
.

(QNĐT)   Năm 2005, Đảng bộ và nhân dân xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) phấn khởi tự hào vì là địa phương đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tuy nhiên ở trạm được công nhận đạt chuẩn này đang tồn tại “hai không”: Không trạm trưởng, không bác sĩ tại chỗ, ảnh hưởng rất lớn trong công tác khám và điều trị ban đầu cho nhân dân.

Ông Đoàn Sáng - Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong các buổi tiếp xúc cử tri với các ngành cấp trên, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, yêu cầu bổ sung cho trạm một bác sĩ để đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, vì trạm đạt chuẩn mà không có bác sĩ thì còn gì là chuẩn quốc gia. Thế những gần một năm rồi, chuyện đâu lại vào đó, trạm y tế giờ như “rắn mất đầu”.
 
Trạm Y tế xã Nghĩa Lâm đạt chuẩn Quốc gia từ năm 2005.
Trạm Y tế xã Nghĩa Lâm đạt chuẩn Quốc gia từ năm 2005.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân của tình trạng này là do lãnh đạo trạm  nghỉ hưu, bác sĩ của trạm được điều động về huyện, trong khi đó lại cử một y sĩ đi học bác sĩ. Trạm biên chế có 8 người, nhưng hiện tại chỉ có 5 người. Thế là Trạm y tế xã vừa thiếu lãnh đạo, thiếu bác sĩ và thiếu cả nhân lực.

Để giải quyết tình trạng này, ngành y tế huyện Tư Nghĩa đã thực hiện giải pháp tạm thời là mỗi tuần tăng cường  bác sĩ từ các trạm y tế trong huyện về từ 1 - 2 ngày để khám, điều trị bệnh cho người dân.

Với dân số trên 8.000 dân, trung bình mỗi ngày trạm tiếp nhận từ 20 - 30 bệnh nhân, trong đó có những tai nạn sinh hoạt bất ngờ, gây khó khăn rất lớn cho những người công tác tại trạm vì việc khám, điều trị, kê toa không phải là nhiệm vụ của họ.

Nữ hộ sinh Phạm Thị Liên - người có hơn 13 năm công tác tại Trạm y tế xã Nghĩa Lâm rất hiểu về các nguyên tắc quy định của ngành y nhưng gần một năm qua đành phải làm trái với qui định, trái với lương tâm của người thầy thuốc.

Theo quy định, nữ hộ sinh chỉ thực hiện nhiệm vụ đỡ đẻ, khám và điều trị các loại bệnh liên quan đến thai sản, phụ khoa. Thế nhưng chị thường xuyên  khám, điều trị  tất cả các loại bệnh thông thường như tai nạn sinh hoạt, viêm phế quản, viêm phổi…

Chị Liên nói: Biết là trái với quy định nhưng đâu có bác sĩ mà chờ. Với lại, họ có bệnh mới đến trạm mà nhất là cán bộ hưu trí, người nghèo, đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế không lẽ cho họ về thì áy náy lắm, đôi khi họ lại bức xúc nữa. Do vậy mà làm liều…

Vì không có bác sĩ nên đội ngũ thầy thuốc ở đây “tùy cơ ứng biến”, không chỉ nữ hộ sinh, điều dưỡng khám bệnh, cho thuốc mà kể cả y sĩ Đông y cũng tham gia khám bệnh đa khoa, cho thuốc tây y mặc dù chưa một lần học qua.
 
Vì không có bác sĩ tại chỗ, nên các nhân viên y tế ở trạm phải "kiêm" luôn việc khám, kê toa thuốc.
Vì không có bác sĩ tại chỗ, nên các nhân viên y tế ở trạm phải "kiêm" luôn việc khám, kê toa thuốc.

Y sĩ đông y Võ Thị Lai bộc bạch: Em học Đông y, phụ trách vườn thuốc nam, châm cứu nhưng hiện tại không có bác sĩ, nhiều bệnh từ hồi chưa biết vẫn khám, nhiều lúc trở ngại và cũng rất lo lắng.

Tuy chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra nhưng lương tâm cũng thấy ray rứt nhưng không biết phải làm sao vì bỏ bệnh nhân cũng thấy có lỗi. Mong muốn nhất là cấp trên phải bổ sung bác sĩ, bổ sung nhân lực để chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân tốt hơn. Vì ở đây đối tượng hưởng chế độ nhiều, cán bộ hưu trí đông, người ta rất thắc mắc lắm vì sao trạm không có bác sĩ.

Mục tiêu của tỉnh là đến cuối năm 2010, 100% trạm y tế phải có bác sĩ, thế nhưng nghịch lý của một trạm y tế đã đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh lại rơi vào tình trạng không có người lãnh đạo, không có bác sĩ tại chỗ trong một thời gian dài là điều khó chấp nhận.

Thiết nghĩ, ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi cần sớm  củng cố lại tổ chức của Trạm y tế xã Nghĩa Lâm, cũng như phân bổ bác sĩ để thực hiện được mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Bài, ảnh: Thanh Thuận

.