Bảo hiểm y tế học sinh: Quyền lợi và trách nhiệm

09:08, 11/08/2010
.

(QNg) - Bảo hiểm y tế học sinh (BHYT HS) không còn là hoạt động mang tính tự nguyện, mà đã trở thành hình thức bắt buộc theo quy định của Luật BHYT kể từ ngày 1/1/2010. Ở Quảng Ngãi, bên cạnh nhiều cách làm hay, thì vẫn còn không ít vấn đề đáng phải bàn xoay quanh BHYT HS.  

Từ niềm vui ở cơ sở…
Cách đây vài năm nhắc đến BHYT HS thì các bậc phụ huynh lắc đầu không tham gia. Căn nguyên của vấn đề là người dân nhận thức chưa "đúng tầm" ý nghĩa của việc tham gia BHYT, nhất là đối với đối tượng học sinh. Nay thì tầm nhận thức của người dân về tham gia BHYT HS nhìn chung được nâng lên đáng kể. Kết quả làø mỗi năm tỉnh ta có khoảng 160.000 HS tham gia BHYT (70%  HS toàn tỉnh). Nhiều hộ dân mặc dù đời sống kinh tế không mấy khá giả, thế nhưng đã chắt chiu để mua BHYT cho con cắp sách đến trường. Họ mua BHYT cho con chẳng phải để chờ được thanh toán chi phí khám-chữa bệnh (KCB), mà mua với dòng suy nghĩ tích cực là nhằm đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm.
 
Tham gia BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi và cũng là trách nhiệm của học sinh.
Tham gia BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi và cũng là trách nhiệm của học sinh.

Đối với những gia đình khó khăn về kinh tế, nếu chẳng may con cái bị ốm nặng thì thẻ BHYT có giá trị lớn. Nhiều bậc phụ huynh hạnh phúc đến rơi nước mắt khi con được hỗ trợ điều trị bệnh qua cơn hiểm nghèo, nhờ có thẻ BHYT. Đơn cử những trường hợp HS được hỗ trợ chi phí KCB với khoản tiền lớn như: Em Võ Tấn Anh (Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, huyện Nghĩa Hành): 120 triệu đồng; Võ Thị Hồng Thanh (Trường THCS Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh) 78 triệu đồng; Nguyễn Sinh Công (Trường THPT BC Huỳnh Thúc Kháng, huyện Sơn Tịnh) 39 triệu đồng; Nguyễn Thị Bích Thi (Trường THPT số 1 Đức Phổ, huyện Đức Phổ) 32 triệu đồng…

BHYT HS chẳng những mang đến niềm vui cho bản thân HS tham gia, mà còn mang lại lợi ích thiết thực đối với toàn thể HS trong trường có HS tham gia BHYT (thông qua khoản kinh phí được trích lại để phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho HS). Đến các trường có đông HS tham gia BHYT, chúng tôi đều bắt gặp nụ cười rạng ngời trên khuôn mặt cán bộ-giáo viên và học sinh. Họ vui bởi lẽ các trường đều có phòng y tế với đầy đủ cơ số thuốc và trang thiết bị y tế đảm bảo chăm sóc  sức khoẻ ban đầu cho học sinh.

Cô giáo Lê Thị Thông-Hiệu trưởng Trường THPT BC Huỳnh Thúc Kháng (Sơn Tịnh), phấn khởi cho biết: "Nhờ khoản kinh phí trích từ nguồn BHYT, nhà trường đã đầu tư xây dựng phòng y tế.  Nhiều HS bị ốm như đau đầu, chóng mặt, cảm sốt… thì các em xuống phòng y tế và được nhân viên y tế chăm sóc chu đáo. BHYT là hoạt động có ý nghĩa to lớn, nên hễ phát động là 100% HS của trường tham gia".

…đến những bất cập cần tháo gỡ
Theo quy định của Luật BHYT (có hiệu lực từ 1/1/2010), BHYT HS không còn là hình thức tự nguyện, mà chuyển sang hình thức bắt buộc. Theo quy định của Luật BHYT mới ban hành thì, có một số thay đổi xoay quanh BHYT HS, cụ thể như: Mức phí tăng; không chi tiền hoa hồng  cho người trực tiếp làm công tác thu ở trường… Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu BHYT HS trên địa bàn tỉnh. Cụ thể trong năm học 2009-2010 khi triển khai BHYT HS theo quy định của Luật BHYT, số lượng HS tham gia giảm so với trước.

Theo quy định của Luật BHYT, mức đóng đối với mỗi HS là 262.800 đồng. Tuy nhiên Nhà nước hỗ trợ 30%, nên giảm còn 183.960 đồng. Đối với đối tượng HS cận nghèo thì được giảm 50% mệnh giá thẻ (mức đóng 131.400 đồng/HS). Tham gia BHYT HS vừa là đảm bảo quyền lợi, vừa là trách nhiệm nhằm hướng đến thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Lợi ích mà thẻ BHYT mang lại đã trở nên quá "quen thuộc" trong đời sống nhân dân, nhất là đối với học sinh. Và đối với số đông người dân thì BHYT như là điều kiện không thể thiếu trong đời sống. Tuy vậy ở một số địa phương, một bộ phận người dân và cả các cán bộ chức năng do nhận thức còn hạn chế khi BHYT HS chuyển đổi từ hình thức tự nguyện sang bắt buộc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở địa phương nào mà cán bộ chức năng có tinh thần trách nhiệm cao, thì địa phương đó thực hiện tốt BHYT HS (điển hình như huyện Đức Phổ cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc triển khai công tác BHYT HS). Đích thân Chủ tịch UBND huyện đi kiểm tra tình hình thực hiện BHYT HS ở các trường học. Chính sự quan tâm chỉ đạo, sự kiên quyết vào cuộc của lãnh đạo huyện và nhiệt tình của cán bộ chức năng ở cơ sở, đã đẩy mạnh công tác BHYT HS ở Đức Phổ từ 43% lên trên 70% HS trong toàn huyện tham gia. Hiện nay Đức Phổ là một trong những địa phương thuộc vào hàng đầu trong tỉnh về triển khai thực hiện tốt BHYT HS. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng ở tỉnh và ở các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sớm đề ra giải pháp hữu hiệu, để năm học mới 2010-2011 cũng như những năm tiếp theo tỉnh ta thực hiện tốt BHYT HS.
 
* Ông Nguyễn Hoàng Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh:
 
Công tác BHYT học sinh tại Quảng Ngãi có nhiều chuyển biến tích cực, điều đó thể hiện sự cố gắng của BHXH tỉnh cũng như các ngành liên quan. Thực hiện tốt BHYT học sinh ngoài việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe thế hệ trẻ, còn giúp cho Quảng Ngãi sớm hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2014. Để làm được điều đó, BHXH tỉnh và các ngành liên quan cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, để phụ huynh học sinh thấy được sự cần thiết và trách nhiệm phải thực hiện chính sách này. Bên cạnh đó cần nâng cấp mạng lưới y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở; cải cách thủ tục hành chính… đáp ứng tốt nhu cầu của người dân khi tham gia BHYT. Các đơn vị trường học cũng cần chú trọng sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí trích lại, để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường, nhằm tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh khi cho con em mình tham gia BHYT. 


* Ông Đỗ Ngọc Thạch - Giám đốc BHXH tỉnh:
 
Ở Quảng Ngãi, BHYT HS đã phát huy hiệu quả từ việc xây dựng y tế học đường đến đảm bảo quyền lợi cho học sinh khi điều trị tại các cơ sở y tế. Hằng năm có rất nhiều trường hợp học sinh ốm đau, được quỹ BHYT chi trả chi phí cao (từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng). Từ những lợi ích cụ thể đó mà số HS tham gia BHYT  trên địa bàn tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước, luôn đạt và vượt kế hoạch cấp trên giao. Tuy nhiên ở một vài địa phương tỷ lệ HS tham gia BHYT còn thấp. Một số địa phương vẫn chưa thấy được lợi ích cũng như tính cộng động chia sẻ của chính sách này. Mặt khác chất lượng KCB tại các cơ sở y tế, thái độ phục vụ của y-bác sĩ cũng là một trong những yếu tố khiến người dân chưa hài lòng khi tham gia BHYT. Thời gian tới BHXH tỉnh và Sở Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ, để đảm bảo chăm sóc tốt sức khoẻ cho đối tượng tham gia BHYT; đồng thời đề nghị các cơ quan, ban ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ chính sách này, nhằm đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của nhân dân khi tham gia BHYT, nhất là đối với đối tượng HS.


* Ông Lê Văn Mùi - Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ:
 
Chúng tôi kiên quyết triển khai công tác BHYT HS vì lợi ích mang lại hết sức thiết thực, nhằm chăm sóc tốt sức khoẻ cho các em học sinh. Vấn đề quan trọng là phải tuyên truyền để cho phụ huynh hiểu về lợi ích của việc tham gia BHYT; đồng thời hiệu trưởng các trường phải nhận thức sâu sắc về vấn đề này, từ đó triển khai một cách có hiệu quả. Một bộ phận người dân có đời sống kinh tế khó khăn, nhưng tuỳ vào thực tế cuộc sống mà Nhà nước sẽ có sự hỗ trợ khi mua thẻ BHYT. Ở Đức Phổ, trường nào không thực hiện tốt BHYT HS thì hiệu trưởng trường đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện. Chúng tôi đã quán triệt là phải triển khai thực hiện tốt BHYT, nhất là BHYT đối với HS vì lợi ích của người dân.


* Thầy giáo Lê Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Đức Phổ:
 
Việc triển khai thực hiện chính sách BHYT HS thể hiện rõ lương tâm, trách nhiệm và tầm nhìn. 100% HS của trường tham gia BHYT. Trong các cuộc họp phụ huynh, chúng tôi tuyên truyền, giải thích rõ lợi ích khi tham gia BHYT HS và nhận được sự đồng tình hưởng ứng của các bậc phụ huynh. Đối với những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thì bên cạnh sự hỗ trợ mệnh giá của Nhà nước trường chúng tôi lấy từ nguồn kinh phí do BHXH để lại để mua thẻ BHYT cho các em. Thiết nghĩ BHYTHS là việc làm mang tính nhân đạo, vừa giải quyết được khó khăn nếu chẳng may bị ốm đau. Trường tiểu học thị trấn có học sinh nội trú, nên nhờ khoản kinh phí từ BHYT nên đã thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho HS.


* Ông Lê Văn Ánh - Người dân xã Tịnh Bắc (Sơn Tịnh):
Thứ gì chứ BHYT HS thì nhất quyết phải tham gia. Năm học nào tôi cũng mua BHYT cho con. Tất nhiên khi mua BHYT chúng tôi nào có muốn lấy lại đồng tiền lãi, có ai mong con mình bị đau ốm bao giờ, nhưng là để phòng ngừa nếu chẳng may con cái bị đau ốm. Tuy nhiên tôi cũng kiến nghị là y-bác sĩ ở các cơ sở y tế phải có thái độ hoà nhã, chăm sóc tốt sức khoẻ đối với bệnh nhân có thẻ BHYT. Và đặc biệt các chế độ ưu tiên cho HS có thẻ BHYT khi tham gia KCB phải được giải quyết kịp thời, không gây phiền hà, chậm trễ.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ

.