Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trên người

09:03, 18/03/2010
.
Điệp khúc “chủ quan, lơ là” có thể sẽ tiếp tục, nếu những người đứng đầu các cấp không bị kỷ luật ngay cả khi báo cáo sai lệch so với thực tế, làm dịch bệnh lây lan ra diện rộng
 
Chỉ trong hơn hai tháng đầu năm 2010, Việt Nam có bốn bệnh nhân mắc cúm A/H5N1, một bệnh nhân đã tử vong. Bộ Y tế nhận định, virus H5N1 đã quay trở lại với sức hủy diệt mạnh hơn. Nguy cơ dịch cúm gia cầm trên người bùng phát mạnh trở lại rất dễ xảy ra.
 
Bệnh nhân T. (Sóc Sơn, Hà Nội) đang điều trị tại khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh nhân T. (Sóc Sơn, Hà Nội) đang điều trị tại khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bạch Mai
Trước tình hình này, một trong những việc cần làm ngay là đẩy mạnh giám sát dịch cúm gia cầm, không để lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Thú y mới đây, dịch cúm gia cầm rất có thể sẽ lan rộng ra cả ĐBSCL, do đến thời điểm này, ở 2 tỉnh thuộc ĐBSCL là Cà Mau và Sóc Trăng dịch vẫn chưa được dập tắt.
 
Thiếu người làm thực, thiếu người giám sát thực, thiếu trách nhiệm cụ thể,… chính là nguyên nhân dẫn đến dịch cúm gia cầm bùng phát như vậy.
 
Ở Cà Mau, bắt đầu từ ngày 18/9/2009, dịch cúm gia cầm bắt đầu xuất hiện tại xã Tân Phú. Cao điểm của dịch bệnh này là từ tháng 12/2009 đến nay, với 25 ổ dịch. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu huỷ gần 2.300 con.
 
Theo lý giải của chính quyền tỉnh này, do đặc điểm địa hình sông nước phức tạp nên đã không thể kiểm soát được dịch bệnh. Nhưng cũng cùng một điều kiện địa lý như vậy, 5 năm liền, tỉnh An Giang đã không để xảy ra bất cứ ổ dịch nào. Từ đó đặt ra vấn đề: Tại sao tỉnh Cà Mau năm nào cũng để xảy ra dịch cúm gia cầm?
 
Đó chính là vì hệ thống chính trị cơ sở của tỉnh này yếu kém. Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Cà Mau trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Diệp Kỉnh Tần đã thừa nhận như vậy.
 
Theo đó, gần như hệ thống chính trị cơ sở không nắm được vấn đề, không thống kê cụ thể số gia cầm trên địa bàn xã, phường. Qua kiểm tra thực tế, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia cầm đạt thấp. Vậy nhưng theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ tiêm phòng lại luôn đạt ở mức rất cao. Rõ ràng, việc các cấp của tỉnh Cà Mau báo cáo không trung thực chính là nguyên nhân dẫn tới dịch bệnh lây lan không thể kiểm soát được như hiện nay.
 
Còn tại Sóc Trăng, công tác chỉ đạo, điều hành chống dịch thiếu quyết liệt, thiếu sự phối hợp đồng bộ trong hệ thống chính trị là nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh nguy hiểm này chưa dứt mặc dù tỉnh này có đầy đủ các văn bản chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ đã nói rất rõ: địa phương nào để xảy ra dịch cúm gia cầm trước hết người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng ở Sóc Trăng, trách nhiệm cụ thể ở các địa bàn để xảy ra dịch đều không được xử lý.
 
Đáng chú ý, cả hai địa phương này đều có Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm nhưng hầu như không họp; có phân công nhưng không ai làm việc. Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm chỉ là hình thức, nên không hiệu quả!
 
Cà Mau là địa phương thu hoạch lúa sớm nhất ĐBSCL, do vậy vịt của các tỉnh khác sẽ tập trung ở vùng này rất nhiều, đến khi các tỉnh khác vào vụ thu hoạch thì vịt từ vùng dịch sẽ đi khắp nơi và khi đó dịch cúm gia cầm sẽ lan ra cả ĐBSCL! Còn nhớ năm ngoái, trước khi dịch bệnh này lan ra các tỉnh ĐBSCL, Cà Mau cũng chính là ổ dịch đầu tiên!
 
Điệp khúc “chủ quan, lơ là” có thể sẽ tiếp tục, nếu những người đứng đầu các cấp không bị kỷ luật ngay cả khi báo cáo sai lệch so với thực tế, làm dịch bệnh nguy hiểm H5N1 lây lan ra diện rộng, đe dọa đến sức khỏe và sinh mệnh của con người.
 
Đến nay, có 10 tỉnh ở ĐBSCL chưa xảy ra ổ dịch mới nhưng đã đến lúc các tỉnh này cần phải hành động quyết liệt hơn. Trước hết, cần phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, địa phương nào để xảy ra dịch thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, bị kiểm điểm, kỷ luật. Trong đó có Giám đốc Sở NN & PTNT và Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y. Trong ban chỉ đạo, thành viên ban chỉ đạo cũng phải chịu trách nhiệm nếu địa phương được phân công xảy ra dịch bệnh.
 

Kinh nghiệm những năm qua cho thấy, địa phương nào làm được như vậy thì công tác phòng chống dịch cúm gia cầm mới có hiệu quả./. 

Theo VOV


.