Khởi nghiệp trên làng mới

07:07, 31/07/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Với sức trẻ và sự nỗ lực vượt khó, những gia đình trẻ ở Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) Sơn Bua, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây đã biến vùng đất hoang hóa trở thành vùng đất hứa với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Qua đó, tạo động lực cho thanh niên vùng cao mạnh dạn hơn trong khởi nghiệp, mở hướng làm giàu trên quê hương mình.
[links()]
 
Trở lại Làng TNLN Sơn Bua, chúng tôi cảm nhận được sức sống mới ở nơi đây. Sự thay đổi ở vùng đất mới này hiện hữu trên những ngôi nhà kiên cố, những vườn cây trái xanh ngát, những mô hình chăn nuôi đã được hình thành.
 
Sau hơn 2 năm định cư ở làng mới, vợ chồng anh Đỗ Minh Vương ở xã Sơn Bua đã dần ổn định cuộc sống và xây dựng cho mình một không gian khởi nghiệp bằng mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Vào làng, vợ chồng anh Vương được cấp thửa đất 1.200m2. Cùng với làm nhà và các công trình phụ, vợ chồng anh dành phần lớn diện tích đất để làm chuồng trại nuôi heo, gà vịt, chim bồ câu, nuôi cá và trồng rau, cây ăn quả. 
 
Được sự hướng dẫn kỹ thuật cũng như hỗ trợ cây, con giống của Ban quản lý Làng TNLN Sơn Bua cùng với sự nỗ lực học hỏi của bản thân, sau hơn 2 năm mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng của gia đình anh đã bước đầu mang lại thành công. 
 
Anh Đỗ Minh Vương chia sẻ: “Lúc mới về làng, nhìn đất đai hoang hóa, tôi cũng có chút phân vân. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình có đất, có sức trẻ, có quyết tâm thì sẽ làm được. Đặc biệt, khi bắt đầu tiến hành xây dựng mô hình phát triển kinh tế, tôi đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Tỉnh đoàn nên càng có thêm động lực”.
 
Anh Đỗ Minh Vương chăm sóc các gốc ổi đang trong giai đoạn ra quả
Anh Đỗ Minh Vương chăm sóc các gốc ổi đang trong giai đoạn ra quả
 
Hiện tại, trong vườn nhà anh Vương đang nuôi hơn 120 con gà thịt và gà đẻ trứng; hơn 30 con heo thịt và heo giống, cùng với hàng chục con bồ câu thịt, cút đẻ trứng, hàng trăm con cá trê đen. Trong vườn, ngoài bưởi, chuối do Ban quản lý làng cấp giống, anh còn trồng 80 cây ổi và các cây ăn quả khác. Đồng thời, để tiết kiệm nước tưới và thời gian tưới cây mỗi ngày, anh Vương còn đầu tư hệ thống máy bơm tăng áp với đầu béc phun mưa, béc tưới nhỏ giọt trong vườn. Nhờ vậy, các cây ăn quả, rau xanh trong vườn nhà anh lúc nào cũng phát triển rất tốt tươi.
 
Nhờ biết chăm sóc cũng như đầu tư đúng hướng, đàn heo, đàn gà và các vật nuôi nhà anh phát triển và lớn nhanh, bán được giá. Với cách thức “lấy ngắn nuôi dài”, anh vừa xoay vòng được đồng vốn lại vừa mở rộng phát triển chăn nuôi. Vì thế,  mà cuộc sống của anh ngày càng thay đổi rõ rệt. Từ chỗ đủ ăn đủ mặc, vợ chồng anh có thêm phần vốn tích lũy để lo cho con cái học hành.
 
“Từ khi định cư ở làng và bắt tay vào nuôi heo, gà và các cây con giống khác, kinh tế gia đình tôi khấm khá hơn nhiều. Đặc biệt, nguồn lương thực, thực phẩm hằng ngày của gia đình cũng được chủ động không phải mua như trước vì rau, củ quả lúc nào cũng có sẵn trong vườn. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi để tạo sinh kế bền vững giúp ổn định cuộc sống lâu dài. Từ đó có điều kiện để giúp đỡ và hỗ trợ các thanh niên trong làng có nhu cầu khởi nghiệp, phát triển kinh tế ’-  anh Vương cho biết thêm. 
 
Anh Cường rất kỳ vọng hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình nuôi dúi của mình
Anh Cường rất kỳ vọng hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình nuôi dúi của mình
 
Vào Làng TNLN Sơn Bua định cư từ năm 2020, với sự năng động và quyết tâm của tuổi trẻ, anh Nguyễn Hùng Cường chọn cho mình mô hình nuôi dúi (chuột lách) và nuôi gà Ai Cập lấy trứng để phát triển kinh tế gia đình.
 
“Nhận thấy việc nuôi dúi phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đây và có thể mở ra cách làm kinh tế mới, hiệu quả, nên tôi mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm, đầu tư chuồng trại và qua tận huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam để mua dúi giống về nuôi”- anh Nguyễn Hùng Cường cho biết. 
 
Theo anh Cường, dúi là loài động vật gặm nhấm, thức ăn chủ yếu ở ngoài ngoài tự nhiên; đồng thời, không tốn nhiều thời gian chăm sóc, lợi nhuận mang lại cũng cao nên anh tin tưởng mô hình của mình sẽ thành công. Hiện tại, hơn 20 cặp dúi của anh đang sinh trưởng và phát triển tốt, một vài cặp đang trong độ tuổi sinh sản.
 
Cùng với nuôi dúi sinh sản và lấy thịt, anh Cường còn mạnh dạn đầu tư nuôi 200 gà Ai Cập lấy trứng và trồng hàng trăm gốc bưởi, cây ăn trái các loại trong vườn nhà. 
 
“Trước đây bản thân tôi cũng đã có ý tưởng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ở  nơi ở cũ, đất đai chật hẹp nên không có điều kiện để thực hiện ý tưởng của mình. Từ khi vào làng mới, được cấp đất rộng rãi nên tôi có điều kiện chăn nuôi, trồng cây ăn quả để phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại mô hình nuôi dúi và gà của tôi đã có những thành công bước đầu. Mong muốn sau này sẽ mở rộng thêm mô hình để mức thu nhập cao hơn và hình thành nên một nghề mới có thể làm giàu cho thanh niên địa phương ", anh Cường bày tỏ. 
 
 Các thanh niên trong làng mạnh dạn triển khai phát triển các mô hình kinh tế
Các thanh niên trong làng mạnh dạn triển khai phát triển các mô hình kinh tế
 
Điều vui hơn, từ hiệu quả bước đầu trong phát triển kinh tế của những hộ gia đình thanh niên tiên phong, nhiều hộ dân khác ở Làng TNLN Sơn Bua cũng đã và đang học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn làm theo. Hiện nhiều hộ thanh niên nay đã đầu tư trồng các cây trồng, vật nuôi gắn với đặc điểm thổ nhưỡng địa phương và hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và làm giàu trên vùng đất mới. 
 
Dự án Làng TNLN xã Sơn Bua được quy hoạch trên diện tích 750ha, ước tính tổng mức đầu tư khoảng 46 tỷ đồng và hoàn thành trong năm 2020. Làng TNLN Sơn Bua đã tuyển chọn 30 hộ là gia đình thanh niên vào định cư tại làng. Ngoài ra, còn có 150 hộ được hỗ trợ sản xuất để an cư tại chỗ nằm trong quy hoạch dự án Làng TNLN Sơn Bua. Mỗi hộ gia đình khi nhập “hộ khẩu” tại làng được giao 1.200m2 đất ở và đất vườn, hỗ trợ 20 triệu đồng xây nhà, cấp bò giống, heo, gà, cây giống và được giao khoán quản lý, bảo vệ rừng.
H.P

.